NGUỒN GỐC CỦA PHÚC LỘC THỌ TINH QUÂN
Người dân nước Việt ta cũng như bao người trong cõi Á Đông khác, chắc hẳn ai cũng từng biết đến hình ảnh của ba ông Phúc Lộc Thọ, hay còn gọi là Tam Đa. Những vị Thánh có năng lực ban phát những điều may mắn, tài lộc và sức khỏe cho thiên hạ, điều mà ai ai cũng mong cầu. Tuy nhiên không phải ai cũng rõ ràng gốc tích của các vị ấy, thêm việc có nhiều giai thoại dân gian, nhiều sự tích thêu dệt, càng làm rối loạn sự tín niệm trong lòng. Tệ hại hơn nữa, có những sự tích kể ra như thể bôi xấu hình tượng, phá đi sự tôn nghiêm, rất đáng bài trừ.
Nay xét theo các tích lưu truyền, tạm biên ra
đây vài truyện để phân biệt chân ngụy vậy.
Tích thứ nhất kể về việc từ thời thượng cổ,
vua Nghiêu nhân tiết xuân ấm áp, mới cùng quần thần du ngoạn tới vùng Hoa
Phong, một là thưởng thức cảnh sắc đất trời vào xuân, hai là hiểu thêm về nhân
tình thế thái. Dân vùng đó ra bái kiến và chúc vua ba điều.
Một là, kính chúc nhà vua trường thọ. Vua
Nghiêu không nhận.
Hai là, kính chúc nhà vua phú quý, nhiều lộc.
Vua cũng không nhận và nói tránh đi.
Ba là, kính chúc nhà vua sinh nhiều con trai,
tỏa phúc ấm cho dòng tộc. Vua cũng không nhận.
Nhân những lời chúc đó, vua Nghiêu lại chúc lại
dân chúng đa phúc, đa lộc, đa thọ. Mong muốn dân sinh quốc kế được hưng khởi,
nhà nhà ấm no, người người khỏe mạnh. Sự tích trên dần được Thánh hóa, tạo
thành ba ông Thánh Phúc Lộc Thọ như ngày nay.
Tích thứ hai thì cho rằng ba ông Phúc Lộc Thọ
là hóa thân của các nhân vật có thật.
Ông Phúc tên thật là Quách Tử Nghi, là Thừa
tướng thời nhà Đường. Vốn xuất thân dòng dõi quý tộc, gia sản phong phú, nhưng
ông Quách Tử Nghi vẫn dấn thân theo nghiệp quan, hết lòng lo cho dân cho nước,
cả cuộc đời sống ngay thẳng, thanh liêm, thọ đến tám mươi lăm tuổi thì có cháu
ngũ đại. Ông Quách Tử Nghi mới bế đứa cháu ngũ đại trên tay, đứng giữa sân mà
sung sướng nói rằng:
- Nhờ ơn trời và phúc ấm tổ tiên mà ta được như
thế này, ở đời còn mong gì hơn được nữa.
Nói xong nở một nụ cười viên mãn rồi thác. Cụ
bà ôm lấy ông mà than rằng:
- Tôi cùng tuổi với chồng tôi, phúc cũng đủ dày
mà sao trời không cho tôi đi cùng.
Nói xong cũng tự nhiên thác theo chồng. Hai
ông bà được con cháu hợp táng, chúng dân cảm kích mà tôn làm Phúc thần.
Ông Lộc tên thật là Đậu Tử Quân, là quan Thừa
tướng thời Tấn. Là một vị tham quan, nhũng nhiễu, mua quan bán chức, chạy tội,
lo lót. Không chừa thủ đoạn nào cả, bởi vậy mà ông Đậu Tử Quân giàu có ức vạn,
tài sản cao như núi, ruộng đất nhiều vô biên. Tuy nhiên ông sống đến tám mươi
tuổi mà không có cháu đích tôn, vì việc đó mà sinh bệnh, nằm một chỗ đến thối
thịt da, rồi mất. Trước khi mất còn than trời rằng:
- Lộc ta để cho ai đây? Ai giữ ấm chân nhang
cho tổ tiên, cho ta đây?
Còn ông Thọ, tên thật là Đông Phương Sóc, làm
Thừa tướng đời nhà Hán. Là một kỳ sĩ đa mưu, tinh thông văn sử, công lao cái thế
nhưng cũng giỏi xu nịnh, được lòng vua nên được nhiều bổng lộc. Ông Đông Phương
Sóc tin theo triết lý dụng âm bổ dương, tài lộc có được thường đem đi mua thiếu
nữ trinh tiết về làm thê thiếp. Người đương thời đồn rằng, thê thiết nhà ông
nhiều như cung nữ của vua. Ông sống thọ đến 125 tuổi. Trước khi ông mất thì con
cháu của ông cũng đã mất hết cả rồi, chỉ có đứa chút bốn đời đứng ra lo việc
tang ma cho ông.
Sinh thời, ông thường tự hào mà khoe rằng:
- Ta sống thọ được đến ngày nay là biết cách
dùng âm bổ dương, vui thú mặc lòng, không lo lắng, tư lự.
Sau khi ông mất, dân chúng tôn ông làm Thọ thần,
thường tới tế lễ để xin sức khỏe và sự trường thọ.
Nghe hai tích trên, độ khả tín thật chẳng
đáng là bao, người đời thêu dệt quá nhiều, bóp méo cả chính sử các nhân vật.
Hơn nữa, những người được phong Thánh, phong Thần, thường là có ân đức cao vời
vợi, công lao bao trùm thiên hạ, chúng dân cảm mến. Tuyệt nhiên không ai phong
Thánh cho bọn tham quan ô lại, hà hiếp dân chúng, buôn quan bán chức, chạy tội
chạy quyền, hoang dâm vô độ cả. Có lẽ nào dân xứ ta thường có ác cảm với phương
bắc mà thêu dệt nên những nét xấu xa, nhằm bôi nhọ Thánh Thần xứ bắc hay chăng?
Dù thế nào đi chăng nữa, những chuyện hủ bại đó thật chẳng đáng lưu giữ, mà hãy
gạn đục khơi trong, giữ lại những nét tinh hoa chân phẩm thì hơn cả.
Ba vị Phúc Lộc Thọ kỳ thực đều là sự Thánh
hóa dựa trên kiến thức thiên văn cổ Phương đông mà ra cả.
Ông Phúc là hóa thân của Sao Mộc.
Dưới góc nhìn văn hóa của phương Đông và
phương Tây, người xưa đều cho rằng Sao Mộc đem đến niềm vui, may mắn và hạnh
phúc. Đạo Giáo Trung Hoa đã “Thánh hóa” ngôi Sao này là “Mộc Đức Tinh Quân”, là
một trong “Cửu Diệu Tinh Quân”, gồm:
Thái Dương Tinh Quân (Mặt trời)
Thái Âm Tinh Quân (Mặt trăng)
Thái Bạch Tinh Quân (Sao Kim)
Mộc Đức Tinh Quân (Sao Mộc)
Thủy Đức Tinh Quân (Sao Thủy)
Hỏa Đức Tinh Quân (Sao Hỏa)
Thổ Đức Tinh Quân (Sao Thổ)
La Hầu Tinh Quân
Kế Đô Tinh Quân
Ngoài Nhật, Nguyệt và Ngũ tinh là bảy thực thể ra, thì La Hầu và Kế Đô là hai hư tinh, là giao điểm của đường Hoàng đạo và Bạch đạo, tạo thành Nhật thực và Nguyệt thực. Chính bởi Sao Mộc được cho là đem đến niềm vui và hạnh phúc, bởi vậy người xưa đã lấy hình tượng của Mộc Đức Tinh Quân ra để cầu may, cầu phúc, cầu những sự tốt lành. Và hình tượng Phúc Tinh, ông Phúc ra đời là dựa vào lý nguyên thủy đó.
Ông Phúc được mô tả giống như một vị quan lớn
trong triều, với áo xanh, hài đỏ, tay cầm khuê hốt, hoặc cũng có thể là cầm gậy
như ý, dung mạo phúc hậu, vui tươi. Lý ở đâu mà tiền nhân xây dựng hình tượng
như vậy? Đó là bởi sắc của Mộc là màu xanh, Mộc tinh nằm trong Tử vi viên, gần
“Thiên Hoàng Đại Đế” nên công danh không nhỏ. Bởi vậy ông Phúc là đại biểu cho
may mắn và công danh vậy.
Trong bài phú đoán hạn Cửu diệu của giới toán
mệnh có nhắc đến lý tốt đẹp của người gặp Sao Mộc Đức chiếu mệnh, toàn văn như
sau:
La hầu tháng bảy, tháng giêng
Coi chừng kẻo gặp tai khiên đến mình
Thổ tú, Thủy diệu giữ mình
Tháng tư, tháng tám động tình bi ai
Nhằm sao Thái bạch ra chi
Tháng năm trùng kị, gắng ghi đề phòng
Thái dương chúa tể nhật cung
Tháng mười, tháng sáu vận thông đắc tài
Gặp Vân hán tháng hai
Cùng là tháng tám xảy hoài thị phi
Kế đô sao ấy đến kỳ
Tháng ba, tháng chín sầu bi khóc thầm
Nguyệt cung hoàng hậu thái âm
Tháng chín được tốt, một (Tháng 11) lâm khổ
nàn
Tới sao Mộc đức vui an
Nội trong tháng chạp đăng quang phúc lành.
Ông Lộc là hóa thân của Sao Tư Lộc trong chòm Sao Văn Xương.
Chòm sao Văn xương là đại biểu cho văn chức,
học nghiệp. Gồm sáu ngôi sao là Thượng tướng, Thứ tướng, Quý tướng, Tư mệnh, Tư
trung, Tư lộc. Cho nên người có sao Văn xương chiếu tới thì khí chất phong lưu,
tướng mạo thanh tú, tiền đồ quý hiển, mệnh vận hanh thông, trung trinh tiết
tháo, lộc tài hưng khởi. Sau này nhắc đến Văn xương, người ta chỉ nói đến cái sự
học và phát tiết văn nghiệp mà thôi. Nhưng người nào đề cao sự học thì cũng đều
có hình tướng đoan chính, khí chất ung dung, tài lộc đảm bảo cả. Lý lẽ ẩn tàng
trong đó đâu có sai khác.
Hiềm vì, người trong thiên hạ, lập thân bằng
nhiều đường, kiếm tiền có nhiều cách, đâu phải mỗi sự học mới có thể cầu tài,
cho nên tiền nhân mới dùng nghĩa lý của sao Tư lộc, Thánh hóa thành Lộc Tinh.
Bách gia trăm họ muốn cầu tài lộc thì hướng về nơi quản lý tài lộc đó mà cầu đảo.
Vả nữa, lộc là sự thụ nhận, nên ngoài lộc tài
ra thì còn có lộc con cái, lộc điền sản, v.v... Dần dần, hình ảnh của ông Lộc
được khắc họa thành văn nhân thanh tú, tay bồng đứa trẻ. Lý ở đâu mà không khắc
họa ông Lộc cầm vàng, cầm tiền, mà lại bồng đứa trẻ trên tay? Đó là vì theo lý
luận của kinh Dịch, hào Tử tôn có thể sinh cho hào Tài. Tử tôn là Nguyên thần của
Tài, là nguồn gốc của tài lộc vậy. Có tử tôn là có tài sản lớn nhất, là đầu mối
truyền nòi giữ giống, quý giá vô ngần, vàng bạc châu báu không thể thay thế được.
Đó là ý thứ nhất.
Còn ý thứ hai như đã dẫn giải ở bên trên. Độc giả có thể tìm lại ý tứ trong bài viết.
Cho đến tận ngày nay, rất nhiều người không
hiểu nghĩa lý ẩn tàng mà cho rằng người bồng đứa trẻ trên tay là ông Phúc, còn
người áo mão đường bệ là ông Lộc, rồi gán ghép lung tung, thật là sai lầm rất lớn.
Ông Thọ là hóa thân của Sao Nam Cực.
Sao Nam cực nằm gần đường chân trời phía nam,
rất khó nhìn thấy, với sắc đỏ đặc trưng. Trong văn hóa Á Đông, màu đỏ là màu của
sự cát tường, khỏe mạnh và trường thọ. Bởi vậy sao Nam cực còn được gọi là sao
Lão nhân. Đạo giáo gọi là Nam Cực Tiên Ông, Trường Sinh Đại Đế, Thọ Tinh. Là vị
Thần tiên ban phát sức khỏe và sự trường thọ. Vì lẽ đó nên trong văn hóa Việt
Nam ta, những bậc cao niên thường mặc áo dài đỏ trong dịp tế lễ mừng thọ vậy.
Hình ảnh ông Thọ được khắc họa là một ông già
râu tóc bạc phơ, đầu hồ lô, trán hói, tay phải chống gậy, tay trái dâng đào
tiên chúc thọ, hình dung vui tươi, da dẻ hồng hào.
Xét rõ ràng như vậy thì thấy rằng, Phúc tinh
ban sự may mắn và công danh, Lộc tinh ban tài lộc, con cái và học nghiệp. Còn
Thọ tinh ban sức khỏe và trường thọ. Chỉ ba ông thôi mà bao trùm hết tất cả
mong ước của đời người, bởi vậy Tam Tinh còn được gọi là Tam Đa, tức là ý như
thế đó.
LƯỢNG THIÊN XÍCH