THẦN TÍCH VỀ ĐỨC HUYỀN THIÊN CHÂN VŨ ĐẠI ĐẾ
Chân Vũ Đại Đế, còn gọi là Thần
Huyền Vũ, Huyền Thiên Thượng Đế. Người Việt Nam thường gọi là đức Huyền Thiên
Trấn Vũ. Theo sách “Thái Thượng thuyết Huyền Thiên Đại Thánh Chân Vũ Bản truyện
Thần chú diệu kinh” viết rằng: 真 武 大 帝 是 太 上 老 君 第 八 十 二 次 变 化 之 身 , 托 生 於 大 罗 境 上 无 欲 天 宫 , 凈 乐 国 王 善 胜 皇 后 之 子 。 皇 后 梦 而 吞 日 , 觉 而 怀 孕 , 经 一 十 四 月 及 四 百 馀 辰 , 降 诞 於 王 宫 。 後 既 长 成 , 遂 舍 家 辞 父 母 , 入 武 当 山 修 道 , 历 四 十 二 年 功 成 果 满 , 白 日 升 天 。 玉 皇 有 诏 , 封 为 太 玄 , 镇 於 北 方 。 玄 武 一 词 , 原 是 二 十 八 宿 中 北 方 七 宿 的 总 称.
Chân Vũ Đại Đế thị Thái Thượng Lão Quân đệ
bát thập nhị thứ biến hóa chi thân, thác sinh vu Đại La Cảnh Thượng Vô Dục
Thiên Cung, Tịnh Nhạc Quốc vương Thiện Thắng Hoàng hậu chi tử. Hoàng hậu mộng
nhi thôn nhật, giác nhi hoài dựng, kinh nhất thập tứ nguyệt cập tứ bách dư thần,
hàng đản vu vương cung. Hậu ký trường thành, toại xá gia từ phụ mẫu, nhập Vũ Đương
sơn tu đạo, lịch tứ thập nhị niên công thành quả mãn, bạch nhật thăng thiên. Ngọc
Hoàng hữu chiếu, phong vi Thái Huyền, trấn vu bắc phương. Huyền Vũ nhất từ,
nguyên thị nhị thập bát tú trung bắc phương thất tú đích tổng xưng.
Nghĩa là: Chân Vũ Đại đế là
hóa thân thứ 82 của Thái Thượng Lão Quân. Thác sinh tại Đại La Cảnh Thượng Vô Dục
Thiên Cung, là con của Tịnh Nhạc Quốc vương và Thiện Thắng Hoàng hậu. Hoàng hậu
nằm mộng thấy nuốt mặt trời, tỉnh dậy mà thấy có thai, trải qua 14 tháng cùng bốn
trăm dư thần đã giáng sinh tại vương cung. Sau này trưởng thành, liền rời khỏi
nhà, từ biệt cha mẹ rồi lên núi Vũ Đương tu đạo. Trải qua 42 năm thì công thành
quả mãn, liền bay về Trời giữa ban ngày. Ngọc Hoàng xuống chiếu chỉ, phong cho
làm Thái Huyền, trấn tại phương bắc, gọi là Huyền Vũ, nguyên là tên gọi chung của
bảy tú tại phương bắc trong Nhị thập bát tú.
Chân Vũ Quán, tức Đền Quán Thánh tại Hà Nội. |
Bức tranh Chân Vũ Đại Đế do Lượng Thiên Xích vẽ. |
Thần Chân Vũ, người Việt Nam
gọi là Trấn Vũ, là một trong những vị Thần được phổ biến trong văn hóa Trung Quốc
và các nước Á Đông. Thần tượng trưng cho sao Bắc cực, và là một vị Thần lớn
trong Đạo giáo cai trị phương bắc và các loài thủy tộc nên cũng được gọi là Thủy
Thần hoặc Hải Thần.
Theo hầu Chân Vũ Đại Đế là
hai tướng Quy, Xà tượng trưng cho sự trường tồn và sức mạnh,và Ngũ long Thần tướng.
Vậy hai tướng Quy – Xà từ đâu mà có? Cứ y theo Thần tích thì thấy chép rằng, khi
xưa Thần quyết chí xuất gia tu đạo ở núi Vũ Đương, được Diệu Lạc Thiên tôn dạy
dỗ. Trải qua 42 năm thì công thành quả mãn, có được thần thông, liền rạch bụng vứt
bỏ gan ruột rồi đi về phương bắc trừ yêu ma quỷ quái giúp dân. Không ngờ gan và
ruột của ngài liền biến thành yêu quái Rùa và Rắn làm hại dân quanh vùng. Thần
liền quay về thu phục hai yêu quái, trở thành hai vị tướng dưới trướng.
Còn theo Thần tích tại Việt
Nam ta được ghi lại tại đền Quán Thánh thì viết rằng: “Tương truyền Huyền Thiên Trấn Vũ là vị thiên thần
trấn cửa Bắc môn thiên phủ vào thời nhà Tùy (năm 589-600) giáng sinh đầu thai
làm con vua nước Tĩnh Lạc (Trung Quốc). Lớn lên, Huyền Thiên bỏ ngôi hoàng tử,
vào tu ở núi Vũ Đương (Trung Quốc). Sau 42 năm tu luyện, Huyền Thiên đắc đạo,
sang du ngoạn nước ta, đến sông Nhị Hà, làng Long Đỗ (Hà Nội ngày nay) vào tu đạo
tại một ngôi đền bên Hồ Tây, dùng đạo pháp khử trừ các loại yêu quái để cứu dân
rồi hóa. Do đó, người dân nhớ ơn nên lập đền thờ tại phường Đồng Xuân, huyện Thọ
Xương gọi là Huyền Thiên Quán.”
Còn có
thuyết nữa ghi rằng, Trấn Vũ là vị thần ở núi
Sái (nay thuộc làng Thụy Lôi, huyện Đông Anh) có công giúp An Dương Vương trừ
tà ma quấy rối việc xây thành Cổ Loa. Ông từng du ngoạn Hồ Tây và trừ hồ tinh 9
đuôi lẩn khuất ở núi đá bên cạnh Hồ Tây. Truyền thuyết xưa cũng kể rằng: Huyền
Thiên Trấn Vũ là thần cai quản phương Bắc giúp dân trừ tà ma, yêu quái, trừ rùa
thành tinh (đời Hùng Vương 14), trừ cáo chín đuôi ở Tây Hồ, diệt hồ ly tinh
trên sông Hồng đời Vua Lý Thánh Tông...
Cũng theo tài liệu của Ban Quản lý đền
Quán Thánh, còn một truyền thuyết nữa liên quan đến Huyền Thiên Trấn Vũ. Theo
tài liệu này, vào đời Hùng Vương, tại rừng Thiết Lâm, làng Long Đỗ có hồ tinh 9
đuôi làm hại dân. Ngọc Hoàng sai thần Huyền Thiên hạ giáng, dùng phép thuật
giết hồ tinh rồi cả khu Thiết Lâm sụp xuống thành hồ (tức là Hồ Tây ngày nay).
Vì thế, Vua Lý Thái Tổ sau khi xây thành Thăng Long cho lập đền thờ Huyền Thiên
ở phía tây bắc thành để trấn yêu quái.
Ngoài ra, câu chuyện tương truyền về việc
Vua An Dương Vương xây thành cứ ngày đắp, đêm lại bị đổ vì yêu ma Bạch Kê Tinh
(Tinh Gà Trắng) phá hoại đã không còn xa lạ với mỗi người Việt chúng ta. Trong
câu chuyện này, sử sách chép rằng: “Ngày Tinh Gà Trắng trú ẩn ở núi Thất Diệu,
đêm lại xuất hiện. Vua không có cách nào trừ khử bèn lập đàn cầu khẩn, được
Huyền Thiên Trấn Vũ sai thần Kim Quy (tức sứ Thanh Giang) hiện ra mách bảo kế
giết Bạch Kê Tinh nên thành ốc mới xây xong”. Tưởng nhớ công đức của Huyền
Thiên, Vua đã cho xây đền trên đỉnh núi Thất Diệu để thờ. Đây cũng là nơi Huyền
Thiên đã tu luyện và cũng được gọi là Vũ Đương Sơn.
Lý Thái Tổ sau khi dời đô ra Thăng Long đã
đến núi Sái cầu Huyền Thiên và sinh được hoàng tử. Thấy công đức của Huyền
Thiên rất to lớn, Nhà Vua đã cho xây đền Trấn Vũ (tức đền Quán Thánh)
ở phía bắc kinh thành, xin rước hiệu duệ Huyền Thiên về ở đó để thờ. Đền
Quán Thánh được coi như trấn Bắc Thăng Long từ đó.
Vị trí Chân Vũ Quán trên bản đồ Hà Nội vẽ năm 1873. Bản do Lượng Thiên Xích đồ họa lại. |
Ngoài Chân Vũ Quán, trấn bắc
của kinh thành Thăng Long, Thần còn được thờ ở những nơi như:
Huyền Thiên Cổ Quán ở phố Hàng Khoai, Hà Nội. Nay chuyển thành chùa Huyền
Thiên.
Huyền Thiên Đại Quán, hay còn gọi là đền Sái, ở Thụy Lôi, Đông Anh, Hà Nội.
Đền Trấn Vũ ở Thạch Bàn, Long Biên, Hà Nội.
Đền Đồng Thiên tại phố Đường Thành, Hà Nội. Nay chuyển thành chùa Kim Cổ.
Ở cố đô Hoa Lư còn có Thần
Thiên Tôn với sự tích gần giống với Thần Trấn Vũ nhưng đã được địa phương hóa,
trở thành một vị thần gắn liền với vùng đất này, được coi là vị Thần trấn đông
trong Hoa Lư Tứ Trấn. Hiện có 7 nơi thờ Thần ở quanh thành phố Ninh Bình. Theo các thần tích các làng Bích Đào, làng Đại Phong ở Ninh
Bình thì thần Thiên Tôn là vị Thiên thần, nguyên là một hoàng tử ở Trung
Hoa, do hoàng hậu nằm mộng thấy nuốt mặt trời, có thai rồi sinh ra ngài vào
ngày mồng 3 tháng 3 năm Khai hoàng thứ 25 (năm 625), gọi là Huyền Nguyên. Lớn
lên hoàng tử dũng mãnh hơn người, đi khắp thiên hạ, vào núi Dũng Dương (ở Hoa
Lư, Ninh Bình) tu luyện 42 năm, khi đắc đạo có thể bay lượn, biến hóa, tận trừ
tà ma quỷ quái. Ngọc Hoàng ban cho thanh kiếm Tam thai thất tinh và
phong làm Bắc phương Trấn Vũ đại tướng quân. Sau này thần Thiên Tôn phóng gươm
ở dưới núi Cánh Diều (Ninh Bình) mà hóa.
Năm 938, Cao Đô Đường Thái sư cho xây đền ở
cửa động Thiên Tôn, tạc tượng tay chống bảo kiếm, chân đạp lên rùa rắn và
ban sắc phong là Trấn Vũ An Quốc đại vương... Đinh Tiên Hoàng khởi
nghĩa ở động Hoa Lư được hai tướng Rùa, Rắn của thần giúp sức nên
thần được sắc phong là An Quốc Hoàng đế, trở thành một vị Thần trấn trạch và
bảo vệ cửa ngõ tiền đồn phía đông kinh đô Hoa Lư.
LƯỢNG THIÊN XÍCH