THẦN TÍCH VỀ BÀ THIÊN Y A NA THÁNH MẪU Ở NHA TRANG

 

Ngược dòng về quá khứ, từ khi nguyên một dải đất miền trung trở vào vẫn là đất của nước Chiêm Thành (Tiếng Phạn là Campanagara, phiên âm Việt ngữ là Chăm Pa). Lúc đó Chiêm Thành được phân ra thành bốn tiểu quốc gồm:

Amaravati (Từ vùng Bình Trị Thiên đến vùng Quảng Nam - Đà Nẵng ngày nay)

Vijaya (Vũng Quảng Nghĩa - Bình Định ngày nay)

Kauthara (Vùng Phú Yên - Khánh Hòa ngày nay)

Panduranga (Vùng Ninh Thuận - Bình Thuận ngày nay)



Người dân tộc Chăm ở xứ đó tôn bà Thiên Y A Na Thánh Mẫu là Thần chủ, là mẹ của xứ sở mình, tên mà người Chăm bản xứ gọi là Yang Po Inư Nagar. Yang tức là Giàng, là Thần linh vậy. Inư là mẹ vậy.




Theo Thần tích kể lại thì Nữ thần Poh Nagar do bọt nước biển và áng mây trời tồn tại mãi tận ngoài khơi xa đã lâu nên thọ khí âm dương, hấp hơi nhật nguyệt mà sinh ra thành người. Một hôm nước biển dâng cao, sóng đánh ào ào, đưa bà vào đến bến sông Cù thuộc nước Kauthara (phiên âm Việt ngữ là Khánh Hòa). Khi bà lướt sóng vào bờ, trời làm ra sấm, đánh động râm ran, tiếng nhạc khánh ngọc hòa cùng hương hoa mà theo gió lan tỏa khắp thinh không, báo hiệu cho muôn loài biết có Nữ thần giáng thế. Liền sau đó, nước trên thượng nguồn kéo đến từng dòng, hòa vào thành sông mà chảy tới chúc mừng. Núi cao cúi ngả lâng bước, chim chóc vui hót líu lo, hoa thơm khoe sắc thắm, bướm lượn múa tung tăng, muông thú trong rừng già, tất thảy đều ra chào đón.

 

Bà Poh Nagar vào đến đất liền, hóa phép ra cung điện nguy nga, hóa ra trầm hương cùng lúa ngô lương thực, chế ra phép tắc cương thường, định ra giới luật nghiêm minh, lại dạy dân trăm nghề, lấy mẫu hệ mà truyền nòi giữ giống. Nước Kauthara (Khánh Hòa) nhờ thế mà phồn thịnh.

 

Bà Poh Nagar lấy rất nhiều chồng, theo tích thì có chín mươi bảy ông cả thảy, và sinh được ba mươi tám người con gái, tất cả đều được phong Thần, cai quản một phương. Trong những người con đó, có ba bà được trao quyền phép nhiều hơn cả, đó là bà Poh Nogar Dara, bà Poh Rarai Anaih. Hai Nữ thần này được phong là Thần chủ nước Panduranga (phiên âm Việt ngữ là Phan Rang), và bà Poh Bia Tikuk được phong là Thần chủ xứ Manthit (phiên âm Việt ngữ là Phan Thiết). Dân chúng hai xứ đó vẫn tôn thờ đến tận ngày nay.

 

Với công trạng chăm dân to lớn đó, sau này bà Poh Nagar cưỡi hạc quy tây, dân chúng lập đền thờ phụng trên một ngọn đồi nhỏ tại cửa sông Cù (nay là sông Cái) thuộc đất Aya Tră (phiên âm Việt ngữ là Nha Trang), nơi mà xưa kia bà đã theo sóng vào bờ.

 

Trải qua bao đời biến cố lịch sử, nước Chiêm Thành dần bị vong đi và trở thành một phần của Đại Việt đến tận ngày nay. Cảm cái ân đức to lớn mà bà Poh Nagar đã làm cho dân chúng thủa xưa, triều đình nhà  Nguyễn sau này của nước Việt đã sắc phong bà là Hồng Nhân Phổ Tế Linh Ứng Thượng Đẳng Thần. Người Việt và người Chăm cùng nhau thờ phụng, trở thành một phần của hồn cốt dân tộc Việt Nam. Thần hiệu Thiên Y A Na Thánh Mẫu cũng hình thành từ đây.



Xét theo góc nhìn Phong thủy thì thấy rằng, đền tháp thờ bà Poh Nagar được xây trên một đỉnh đồi nhỏ, cao tầm mười hai mét thước tây so với mực nước biển, nằm ngay cánh tả của cửa sông Cái. Hướng đền nhìn về đông, tọa Dậu hướng Mão, kiêm về cung Giáp ba độ. Trước mặt có minh đường rộng lớn, nhân quần xung quanh, xa xa là mặt biển phóng quang, bên hữu là cửa sông rộng lớn. Được khởi công vào năm nào thì sử không thấy nhắc, nhưng đến năm 784 thì hoàn thành. Tra lịch biểu thì nhằm năm Giáp tý, thuộc vận 1 Thượng nguyên.






Khí số thời Thượng nguyên, thấy rằng đầu Nguyên Sát khí chiếu về hướng đền, may có Thành môn hợp cách tại cửa sông nên được cứu giải. Giữa Nguyên và cuối Nguyên mới có Tài khí đắc địa. Nhân đinh thời đó cũng không hưng thịnh, duy có vận cuối Nguyên thì đắc cách Châu bảo nên Đinh tài lưỡng vượng mà thôi.

 

Sang đến thời Trung nguyên, vận đầu Nguyên thì phạm cách Đảo nghịch long, cũng lại may mắn vì có Thành môn hợp cách cứu giải. Vận cuối Nguyên thì phạm cách Hỏa khanh, thành ra Đinh tài đều bại cả. Duy có vận giữa Nguyên thì Đinh khí đắc địa, lợi về nhân quần cho xứ ấy.

 

Bước vào thời Hạ nguyên, vận đầu đắc cách Châu bảo, Đinh tài lưỡng vượng. Sang đến giữa Nguyên thì vượng đinh tổn tài, đến thời kỳ cuối của Nguyên thì chỉ vượng tài tổn đinh.

 

Xét ra như vậy thì nơi đền thờ bà, khí số chẳng được vượng dài lâu, thịnh ít mà suy nhiều. Đó cũng là thủa sơ khai, thuật Phong thủy mới manh nha hình thành, học thuyết còn chưa tường minh, lại thêm nước Chiêm Thành không chịu ảnh hưởng của văn minh Hoa Hạ, không biết đến Phong thủy là gì. Xây đền thờ Thần chủ một nước trên thế Độc củng cô phong, hung thần Bạch hổ phát động đêm ngày, khí số chỉ thấy suy hao. Chẳng lẽ vì như trên mà góp phần làm cho nước Chiêm Thành cứ yếu đi mãi và phải chịu họa diệt vong hay sao?


Thời ngày nay, thiên hạ đã là một, cảm cái ân sâu, công đức cao dày của bà nên người Chăm cũng như người Việt đều thành kính thờ phụng, gìn giữ khói hương miên miên không dứt. Vùng đất của bà giờ đây nhân quần thịnh đạt, tài nguyên dồi dào, người đương thời đẹp lòng, bà Thánh Mẫu ở cõi Vô vi chắc cũng hả dạ vậy.

 

LƯỢNG THIÊN XÍCH

Bài đăng phổ biến