TAM HÒE CỬU CỨC
Người Phương Đông ta từ xưa đã cho rằng cây hòe là biểu tượng
của quyền thế và thường trồng trong vườn cùng với những cây như ngô đồng, quế,
mẫu đơn, thược dược và những cây quý khác. Nhà giàu có và những phủ quan, cung
đình lại càng trồng nhiều lắm. Vậy lẽ vì đâu mà cây hòe lại trở thành biểu tượng
quyền thế như trên?
Xét về gốc tích xưa kia, ở thời nhà Chu bên Trung Hoa, triều
đình trồng cây hòe và cây cức trước sân, mỗi lần thượng triều thì bá quan văn
vũ đều tề tựu ở đó để mà chờ nhập cung bái kiến Thiên tử, luận bàn chính sự.
Các quan Tam công gồm ba vị quan là Thái sư, Thái phó và Thái bảo đứng đối diện
với ba cây hòe. Còn như các quan khác thì đứng đều dưới chín gốc cây cức, vì thế
“tam công cửu khanh” (ba quan công, chín quan khanh) còn được gọi là “tam hòe cửu
cức”. Đời sau cứ theo tích đó mà trồng cây hòe trong sân vườn để mong được vinh
thăng quý hiển, quyền thế tựa Tam công vậy.
Cũng cần nói thêm rằng, phẩm trật Tam công đó mỗi thời lại
có sự khác nhau. Như ở thời nhà Chu thì Tam công tức là Thái sư, Thái phó, Thái
bảo. Ở thời Tây Hán lại là Thừa tướng, Thái úy và Ngự sử đại phu. Sau đó lại đổi
thành Đại tư đồ, Đại tư mã, Đại tư không. Đến thời Đông Hán lại đổi thành Thái
úy, Tư đồ, Tư không… Cho nên mỗi thời mỗi khác, chức phẩm ra sao mặc lòng, Khi
đã nói đến Tam công thì có thể hiểu rằng đó là ba vị quan nhất phẩm triều đình
vậy.
Còn theo chế độ Quân chủ Việt Nam ta, Quan chế được chia
thành chín phẩm (cửu phẩm), mỗi phẩm lại phân ra thành Chính và Tòng. Như quan
Chính nhất phẩm là Thái sư, Thái phó, Thái bảo và Thừa Tướng. Quan Tòng nhất phẩm
là Thái tử thái sư, Thái tử thái phó, Thái tử thái bảo và Khu mật sứ. Dù phân
ra làm chính và tòng, nhưng những chức quan đó vẫn được xếp vào hàng nhất phẩm
cả.
Cũng theo tích xưa, vào thời nhà Tống có người tên là Vương
Hựu, y theo truyện nhà Chu mà trồng ba cây hòe trước sân và nguyện rằng con
cháu ông sau này sẽ làm quan, chức đến Tam công cho thỏa chí. Sau này quả nhiên
người con thứ của Vượng Hựu tên là Vương Đán, làm đến chức Thừa tướng thời Bắc
Tống, giữ được 11 năm, từ năm Bính ngọ 1006 đến năm Đinh tị 1017 thì thoái. Người
đời sau nhắc đến “tam hòe Vương thị” chính là khởi ở tích này.
Tất nhiên những giai thoại như trên, dù có là thật đi chăng
nữa thì cũng là dụng hình tượng mà cầu may thôi. Có được thành công là do nhiều
yếu tố như Phúc khí, mộ phần tổ tiên, Phong thủy dương trạch, số mệnh của người
ta cũng như những điều hành thiện tích đức, tu vi học tập đem lại. Chứ trồng
cây hòe mà được làm quan nhất phẩm thì thiên hạ này làm gì còn thứ dân nữa. Cho
nên ở chuyện “tam hòe Vương thị”, cây hòe chỉ là thứ tàng chứa sự ước mong của
người cha, là thứ động lực làm phấn chấn tinh thần người con, và từ đó trở
thành điềm báo của tương lai mà thôi. Chính những cái gốc tích cát tường đó nên
người đời sau cứ y theo thói, coi hòe là cây cầu quan, lâu dần thành nếp vậy.
Giờ đây người ta trồng hòe, một là tạo cảnh quan xanh tươi,
hai là dùng hoa làm thuốc hoặc để pha trà. Người nào biết về điển cố thì mới có
mục đích trồng hòe để cầu quan. Vậy thì cứ trồng đi, biết đâu sau này thời vận
thông suốt, công danh phấn chấn thì lại có cái tích mới mà lưu lại đời sau, còn
không được như ý thì cũng có được cái cây tốt trong nhà vậy.
LƯỢNG THIÊN XÍCH