TỤC LỆ THỜ CÚNG TÁO QUÂN CỦA NGƯỜI VIỆT


     Thờ cúng Táo Quân vào ngày 23 tháng Chạp hàng năm là một phong tục đẹp, là tín ngưỡng tâm linh lâu đời của dân ta. Tục xưa để lại đã lâu, chuyện thờ cúng mỗi nơi có khác, cho nên nhiều người chỉ biết cúng theo cái lệ đó mà thôi, chứ không thông tỏ gốc tích, chẳng tường lễ nghi, bởi vậy mà hình thành nên mối quan tâm mỗi dịp tết đến xuân về.


     Xét tới nguồn gốc vì đâu mà hình thành thì thấy rằng vẫn còn nhiều điều nghi hoặc. Theo Đạo Giáo của Trung Quốc thì tục này thờ ba vị là Thổ Công, Thổ Địa, Thổ Kỳ. Trong đó Thổ Công là Thần cai quản đất đai, Thổ Địa là Thần cai quản bếp núc, và Thổ Kỳ là Thần cai quản chợ búa. Còn như theo truyền thuyết của người Việt ta thì ba vị Thần đó là Trọng Cao, Thị Nhi và Phạm Lang hóa thành vậy.

     Theo tích xưa kể lại thì Trọng Cao và Thị Nhi là hai vợ chồng, lấy nhau đã lâu rồi mà chưa sinh được đứa con nào, bởi vậy nên tình cảm hai vợ chồng có sự rạn nứt, buồn phiền, thỉnh thoảng lại nảy sinh ra những chuyện cãi cọ không đâu. Một hôm Trọng Cao giận quá mà ra tay đánh vợ. Thị Nhi cũng vì vậy mà uất ức bỏ nhà ra đi. Thị Nhi sau đó gặp Phạm Lang và bằng lòng theo Phạm Lang về làm vợ.

     Trọng Cao thấy vợ bỏ nhà đi đã lâu mà không thấy về, trong lòng mới sinh ra điều hối lỗi, bèn đi khắp nơi để mà tìm vợ, hòng hàn gắn lại chuyện vợ chồng như xưa. Ngờ đâu tìm mãi mà không gặp được Thị Nhi, tiền bạc mang theo cũng đã cạn kiệt, cực chẳng đã nên phải xin ăn qua ngày, thân hình xem chừng tiều tụy và cô khổ lắm.

     Trọng Cao cứ vô định mà đi ăn xin và tìm vợ như thế, ngờ đâu một ngày nọ lại xin ăn đúng nhà Thị Nhi. Hai người nhận ra nhau mừng mừng tủi tủi, Thị Nhi mới rước Trọng Cao vào nhà, đoạn rồi kể lại những chuyện quá khứ cho nhau nghe. Người thì hối lỗi về chuyện vũ phu, kẻ thì hối lỗi khi theo Phạm Lang về làm vợ. Sự tình chỉ khởi từ chuyện nhỏ mà nay thành ra to lắm rồi.

     Phạm Lang khi đó từ đâu trở về, vì sợ chồng mới nhìn thấy Trọng Cao, trong lòng sẽ khó giải thích cho thấu đáo nên bảo Trọng Cao ẩn thân trong đống rơm sau vườn. Ngờ đâu Phạm Lang về nhà đốt rơm để lấy tro bón ruộng, Trọng Cao vì sợ mà không dám chui ra, liền bị chết cháy trong đó. Thị Nhi thấy chồng cũ chết do chuyện mình xếp đặt, chẳng biết làm gì hơn nên đành nhảy vào đống rơm mà chết theo. Phạm Lang thấy vợ nhảy vào đống rơm mà chết như vậy, trong cơn quẫn bách mất vợ nên cũng nhảy vào mà tự tử theo vợ.

     Linh hồn của ba người được đưa lên Trời, Ngọc Hoàng xét thấy cả ba người đều có nghĩa nên sắc phong cho làm Định Phúc Táo Quân, chuyên soi xét họa phúc, thiện ác chốn Nhân gian để hàng năm tâu về Ngọc Hoàng Thượng Đế. Trong đó

     Phạm Lang làm Thổ Công, trông coi chuyện bếp: Hiệu là Đông Trù Tư Mệnh Táo Phủ Thần Quân.

     Trọng Cao làm Thổ Địa, trông coi chuyện nhà cửa: Hiệu là Thổ Địa Long Mạch Tôn Thần.

     Thị Nhi làm Thổ Kỳ, trông coi chuyện chợ búa: Hiệu là Ngũ Phương Ngũ Thổ Phúc Đức Chính Thần.

     Tuy nhiên cứ theo như tập tục cúng lễ của dân ta thì Thổ Công không thể là Thần trông coi chuyện bếp được. Bởi lẽ trên bàn thờ chính của mỗi gia đình đều có bát nhang Thổ Công, vả lại mỗi khi cúng lễ khởi công, động thổ xây nhà ở một cuộc đất nào đó cũng đều là cúng Thổ Công. Rồi cả những khi cúng khởi công thiết lập hoặc xây cất mộ phần cũng đều là cúng Thổ Công cả. Những ngôi đất đó chưa có người ở, dĩ nhiên cũng chẳng có bếp kia mà. Cho nên Thổ Công là Thần quản lý đất đai có chăng mới hợp lẽ vậy. Thế thì Thần Thổ Địa là như thế nào? Chức trách của Thần Thổ Địa lại là như thế nào? Cho nên chức trách và vai trò của các vị ấy ra làm sao thì quả thực khó mà tra cho tỏ, chỉ biết họ đều là Định Phúc Táo Quân vậy.

     Cũng phải nói thêm rằng, tục thờ Táo Quân rất có thể có liên quan đến tục thờ Thần Lửa, vốn là một phong tục lâu đời của nhiều dân tộc. Ví như theo sách Hoài Nam Tử của Trung Quốc thì cho rằng Viêm Đế (tức Thần Nông) Sống ở vào khoảng 5.000 năm trước đã dạy dân biết cách làm nông nghiệp, chế ra cày bừa, đồ gốm sứ, bào chế ra thuốc chữa bệnh và tạo ra lửa. Sau này chết đi, để tưởng nhớ công lao tái tạo đó nên dân chúng thờ phụng và suy tôn làm Thần Lửa.

     Còn như theo Sử Ký Thư Mã Thiên thì lại cho rằng Chúc Dung mới là Thần Lửa. Chúc Dung vốn tên là Trọng Lê, sống ở thời kỳ Đế Cốc Cao Tân thị (thời Ngũ Đế).
Theo tích xưa thì vua Toại Nhân là người dùi cây ra lửa, mở màn cho nền văn minh Trung Hoa sau này. Tuy nhiên cả mấy ngàn năm sau đó, người dân vẫn chỉ có biết dùng lửa nướng đồ ăn mà thôi, chứ chẳng biết làm gì khác cả. Sau này Trọng Lê mới sáng chế ra việc nấu đồ ăn cách lửa, như là nấu bằng nồi đất, niêu đất, v.v… Việc nấu ăn như thế tất nhiên sẽ làm cho mùi vị thơm ngon hơn vậy. Ông cũng chế ra những chất giữ lửa, để khi có việc cần đến thì sẵn đó dùng luôn mà không phải dùi cây lấy lửa nữa. Việc lấy mỡ động vật tẩm vào bùi nhùi mà làm thành đuốc, soi sáng khi đi trong đêm cũng là do Trọng Lê chế ra cả.
Bởi có công lao to lớn đó nên Đế Cốc cho vời vào triều, phong cho làm Hỏa Chính, tức là quan cai quản và chế tạo ra lửa vậy. Sau này chết đi, được phong làm Hỏa Thần, hiệu là Chúc Dung, người người thờ phụng.

     Lại theo sách Tây Dương Tạp Chí thì Thần Lửa là một người con gái đẹp, tên là Trương Đan, tự là Tử Quách. Những ngày không trăng thường bay lên trời để tâu về những chuyện lỗi lầm của người ta.

     Quay trở lại với tục thờ Táo Quân. Xưa kia người Việt ta cúng Táo vào ba ngày là 23, 24 và 25 tháng chạp. Trong đó quy định những người làm quan thì cúng Táo và ngày 23, dân thường thì cúng Táo vào ngày 24, còn như những hạng thuyền gia sông nước thì cúng Táo vào ngày 25. Có câu “Quan tam, dân tứ, thuyền gia ngũ” là vì thế. Sau này thì người ta đều cúng Táo vào ngày 23 cả.


     Thời gian cúng thường phải là trước giờ Ngọ (trước 11h trưa) của ngày 23, bởi theo quan niệm xưa, giờ Ngọ là các Táo đã phải xuất hành bay về Trời chầu Ngọc Hoàng. Nếu cúng sau giờ Ngọ thì những lễ vật đó Táo Quân tất nhiên không nhận được.



     Lễ vật cúng tất nhiên không thể thiếu ba bộ mũ mã phẩm phục cùng cá chép vàng làm phương tiện cho ba vị Táo Quân bay về Trời, cúng xong thì đem cá chép đó mà phóng sinh ngoài sông hồ. Bây giờ giản tiện đi nên người ta chế ra cá chép bằng giấy và hóa cùng với mũ mã luôn. Kế đến là lễ mặn bày thành mâm cỗ thịnh soạn gồm các thức như sau:

     1 đĩa thịt gà luộc, hoặc 1 đĩa thịt chân giò luộc
     1 đĩa xôi gấc
     1 quả trứng luộc
     1 đĩa tôm luộc
     1 đĩa xào
     1 đĩa giò
     1 tô canh
     1 đĩa muối gạo
     Cùng 1 mâm ngũ quả, nhang đèn, rượu, nước, hoa thơm, tiền vàng mã.

     Khi cúng Táo Quân, người chủ lễ ăn mặc nghiêm trang, thắp đèn dâng hương, vái ba vái rồi khấn theo bài khấn sau:

     Nam mô A Di Đà Phật!
     Nam mô A Di Đà Phật!
     Nam mô A Di Đà Phật!

     Con lạy chín phương Trời, mười phương Chư Phật!
     Con kính lạy Ngài Đông Trù Tư mệnh Táo phủ Thần quân.
     Tín chủ (chúng) con là: ……………
     Ngụ tại:…………

     Hôm nay ngày 23 tháng chạp, tín chủ chúng con thành tâm sửa biện hương hoa vật phẩm, xiêm hài áo mũ, nghi lễ cúng trần, dâng lên trước án, dâng hiến Tôn Thần, đốt nén tâm hương dốc lòng bái thỉnh.

     Chúng con kính mời ngài Đông Trù Tư Mệnh Táo Phủ Thần Quân giáng lâm trước án, thụ hưởng lễ vật.

     Phỏng theo lệ cũ, ngài là vị chủ, Ngũ Tự Gia Thần, soi xét đường trần, Táo Quân chứng giám.
     Trong năm sai phạm, các lỗi các lầm, cúi xin Tôn Thần gia ân châm chước. Ban lộc ban phúc, phù hộ toàn gia, gái trai trẻ già, tất thảy đều an ninh khang thái.

     Dãi tấm lòng thành, cúi xin chứng giám!

     Cẩn cáo!

  

LƯỢNG THIÊN XÍCH

Bài đăng phổ biến