LUẬN VỀ NGHĨA LÝ CỦA CÂU "TAM DƯƠNG KHAI THÁI"
Tính ra khắp cõi Á Đông, thấy đâu đâu cũng chúc tụng nhau bằng câu “Tam dương khai
thái, vạn tượng canh tân” mỗi dịp tết đến xuân về. Xét rằng ai đưa ra câu chúc
đấy, vào năm nào thì khó mà tra cho tỏ, tuy nhiên nguồn gốc
nghĩa lý thì khá rõ ràng, chỉ có điều dân ta bây giờ dùng nền tảng học thức
khác xưa, khiến cho cái nền Nho học và thuật số của tiền nhân không tiếp cận được
với đại chúng, thành ra dùng câu chữ của tiền nhân nhưng lại không hiểu được
nghĩa lý bên trong, chỉ biết thấy có vần điệu thì dùng, thấy có chứa cái tốt đẹp
nên đem ra chúc tụng mà thôi.
Nay xét ra thì thấy rằng câu
chúc này bắt nguồn từ Kinh Dịch, một trong Ngũ Kinh, là nền tảng học thức lập
thân của cha ông nước ta cũng như của cái văn minh Phương Đông này vậy.
Nguyên trong Kinh Dịch có quẻ
Địa thiên thái, là quẻ thứ mười một, thuộc phần Thượng kinh. Với hình tượng
quái Càn ở dưới, quái Khôn ở trên. Càn là Dương khí, có tính phi thăng lên
trên, còn quẻ Khôn là Âm khí, có tính giáng hạ xuống dưới, bởi vậy âm dương mới
gặp nhau mà dung hòa, hóa sinh và dung dưỡng vạn vật. Cho nên quẻ Địa thiên
thái mới mang hàm nghĩa của sự cát tường, hanh thông là vì thế.
Còn tại sao lại dùng câu chúc này vào dịp tết
đến xuân về thì phải khảo lại từ Tịch quái mười hai thời, cũng là nghĩa lý âm
dương tiêu trưởng theo từng thời gian trong năm vậy.
Đại để, Tịch quái của mười hai tháng như sau:
Tháng giêng phối quẻ Địa thiên thái.
Tháng hai phối quẻ Lôi thiên đại tráng.
Tháng ba phối quẻ Trạch thiên quải.
Tháng tư phối quẻ Bát thuần càn.
Tháng năm phối quẻ Thiên phong cấu.
Tháng sáu phối quẻ Thiên sơn độn.
Tháng bảy phối quẻ Thiên địa bĩ.
Tháng tám phối quẻ Phong địa quán.
Tháng chín phối quẻ Sơn địa bác.
Tháng mười phối quẻ Bát thuần khôn.
Tháng một phối quẻ Địa lôi phục.
Tháng chạp phối quẻ Địa trạch lâm.
Như vậy ta thấy quẻ Địa thiên thái được phối
vào tháng giêng. Đây là quẻ tam dương, chủ về hanh thông, thuận lợi, cát tường
như ý, âm dương hài hòa, hóa sinh và dung dưỡng vạn vật. Bởi ngày tết Nguyên
đán là khởi đầu mùa xuân, khởi đầu năm mới nên người xưa mới chúc nhau câu “Tam
dương khai thái, vạn tượng canh tân”, lấy nghĩa lý của quẻ Địa thiên thái trong
Kinh Dịch để cầu chúc nhau mọi việc thông thuận, có sự cải tiến vậy.
Người
ta lại lấy gốc tích trên để mà ẩn dụ vào trong những tác phẩm văn chương, nhạc
họa để đem tặng nhau hoặc dành tặng cho bản thân và gia đình trong những dịp tết
đến xuân về. Ví như bức tranh dưới đây vẽ khung cảnh mùa Xuân với hoa Đào nở
tươi thắm cùng 2 con gà trống đang đón mừng Nguyên đán dưới ánh mặt trời tươi
sáng.
Bức
tranh được đặt tên là “Tam dương khai thái”, cùng bài thơ, nguyên tác được đề
trên vách điện Thái Hòa ở Cố đô Huế. Thơ rằng:
Hà xứ Xuân sinh tảo
Xuân sinh chấn thì phong
Tam dương khai thái tịnh
Tứ hải lý tường đồng
Lượng
Thiên Xích dịch như sau:
Nơi nào Xuân đến sớm
Gió Xuân phơi phới bay
Vận thái bình rộng mở
Bốn biển hưởng an hòa
Tranh này dựa vào tích viết về hai vị Thần là Thần Đồ (神荼) và Úc Luật (郁壘) trong sách “Tam giáo nguyên lưu sưu thần đại toàn”. Truyền thuyết kể rằng: Tại núi Độ Sóc ngoài Đông Hải có một cây đào lớn, cành nhánh uốn cong, lá tươi tốt um tùm, tán lá vươn dài đến 3000 dặm. Trên cây có một con gà trống vàng, cứ đến giờ giấc nhất định là sẽ gáy vang, kéo Mặt trời lên cao. Các con gà trống khác trong Nhân gian cảm ứng từ gà vàng mà đồng thanh cất tiếng gáy khắp nơi. Quỷ ma bị ánh dương quang xua đuổi mà tiêu tán đi hết.
Dưới
gốc cây đào có hai vị Thần phanh ngực áo, tay cầm kiếm, tóc dựng ngược như sừng,
chân mày nhô cao, đỉnh đầu như gò, mày ngang mắt dọc, nụ cười ẩn chứa sát cơ. Một
người tên là Thần Đồ, người kia tên là Úc Luật. Họ đứng dưới gốc cây đào, quan
sát hành tung của bách quỷ. Ma quỷ nào gây hại Nhân gian, liền bị hai Thần dùng
dây trói lại, đem cho Bạch hổ ăn thịt. Về sau người ta liền lấy gỗ cây đào, chạm khắc hình tướng hai vị Thần đó lên rồi treo trước cửa để trừ tà ma. Hai vị trở thành Môn Thần (Thần trấn cửa) từ đó.
Dần dần
lại giản tiện đi, mỗi dịp đầu năm mới, người ta dùng giấy vẽ chân dung hai Thần,
đem dán trên cánh cửa. Lại bẻ cành hoa đào về bày trong nhà. Như thế cũng có tác
dụng trừ tà.
Vậy tại
sao tranh vẽ mặt trời và hai con gà trống lại được đặt tên là Tam dương khai
thái? Đó là bởi con gà là cầm tinh của tú Mão trong Nhị thập bát tú vậy. Tú
Mão, tên đầy đủ là Mão Nhật Kê (昴日雞), tên đó là
tổng hợp của Kinh tinh – Vĩ tinh – Cầm tinh. Có thể hiểu nôm na tú Mão (昴) thuộc Thái
dương (日) cầm tinh con gà (雞). Vì vậy hai con gà
trống cùng với Mặt trời hợp thành hình tượng Tam dương (ba hào Dương của quái Càn).
Vừa mang ý nghĩa khai mở vận hội thái bình hưng thịnh, lại vừa tróc quỷ trừ tà.
Dân gian từ xa xưa cũng đã dùng hình tượng
gà trống để diễn đạt ý nghĩa và mong cầu vận hội hanh thông. Như ở làng tranh Đông
Hồ có bức Tam dương khai thái.
Hoặc tranh Đại cát nghinh xuân. Trên tranh đề
hai câu “Nhật minh tam tác thụy, Dạ xướng ngũ canh hòa”.
Làng tranh Kim Hoàng ở xã Vân Canh, huyện
Hoài Đức, Hà Nội có bộ tranh Thần kê.
Bức bên phải viết:
Thần
kê ngũ đức thái phượng hình
Hạng
thượng côn cương đẩu hoán thanh
Quỷ
khốc thần kinh tà tẩu tán
Trấn
chi môn hộ thọ trường sinh
Tạm dịch:
Gà
thần dung mạo giống Phượng hoàng
Cổ
vươn đầu nghểnh gáy thật vang
Quỷ
khóc, thần kinh, ma sợ hãi
Giữ
yên gia đạo, thọ, trường sinh
Bức bên trái viết:
Đông
phương di hiệu thực tà thần
Kim
cự hoa quan ngũ thái văn
Hộ
hộ khả lệnh quần quỷ tị
Môn
môn trùng khánh vạn niên xuân
Tạm dịch:
Gà
thần phương Đông nuốt quỷ ma
Cựa
cứng như sắt, mào như hoa
Canh
cửa khiến yêu ma tan biến
Sảnh
đường rạng rỡ nếp nhà yên
Chữ trên bùa là: “ Sắc lệnh – Úm – Thần kê
sát quỷ”.
Những bức tranh trên đều là tranh chúc tụng,
thường treo mỗi dịp tết đến xuân về để mong cầu bình an và xua đuổi tà ma quấy
nhiễu. Qua đó có thể thấy người Việt từ xa xưa đã rất uyên bác trong học thuật
vậy.
Người
Trung Hoa lại chuộng cách chơi chữ đồng âm dị nghĩa, thường vẽ tranh 3 con dê
đang ung dung gặm cỏ, đặt tên tranh đó là Tam dương khai thái. Vì chữ 羊(Yáng) tiếng Hán Việt là “Dương”, nghĩa là con dê, đồng
âm với chữ 陽 (Yáng) tiếng Hán
Việt là “Dương”, nghĩa là Mặt trời, khí dương. Vì thế vẽ tranh 3 con dê (三羊 san yáng: Tam dương) để tượng trưng cho quẻ
Tam dương (三陽) Địa thiên thái. Đó đơn giản chỉ là cách
chơi chữ, Không có ẩn tàng triết lý gì bên trong bức tranh cả.
Trên đây là một vài kiến giải gốc tích của câu “Tam dương khai thái”, đồng thời làm rõ hơn nghĩa lý của những tác phẩm thi họa dân gian có liên quan.
LƯỢNG THIÊN XÍCH