NGUYÊN LÝ KHỞI LỆ CỦA THÁI ÂM - ĐIẾU KHÁCH

 “Kỷ tuế lịch” nói rằng: “Điếu khách là hung thần của Tuế. Chủ việc bệnh tật, suy yếu, khóc lóc. Thường đóng sau Tuế hai thời. Chỗ đất nó quản không thể khởi tạo cùng thăm bệnh tìm thầy, thăm nhà có việc hiếu, đưa tang.”

 

“Bồng doanh thư” nói rằng: “Năm Tý tại Tuất, thuận hành mười hai thời là đúng vậy. Ngôi vị của nó thường đối xung với Quan phù.”



Thái âm cũng là Thần sát cùng ngôi vị với Điếu khách, bởi vậy mới luận chung ở đây.

 

“Thần khu kinh” nói rằng: “Thái âm ở sau Tuế. Thường đóng ở sau Tuế hai thời. Chỗ đất nó quản, không thể khởi công tu tạo.”

 

Còn ông Tào Chấn Khuê, nhà Dịch học đời Tống thì nói rằng: “Chỗ hậu phi ở, tức là hậu cung vậy. Sao của hậu cung ở sau Sao Đế hai Sao. Vì vậy Thái âm thường đóng ở sau Tuế hai thời. Năm Tý khởi ở Tuất, thuận hành mười hai thời. Như năm Tý thì tại Tuất, năm Sửu thì tại Hợi, năm Dần thì tại Tý là như vậy.”

 

Lượng Thiên Xích chú: “Để hiểu rõ hơn, xin mời xem đồ hình Tử vi viên dưới đây.


Chòm sao Bắc cực trong Tử vi viên gồm có năm Sao là: Thái tử, Đế, Thứ tử, Hậu cung, Thiên khu. Sao Đế chính là Thái tuế vậy. Sao Hậu cung chính là Thái âm vậy. Thái âm cách Đế vị hai ngôi, bởi vậy mới tạo ra căn nguyên cho việc khởi lệ như trên.

 

Theo “Sử ký” “Bạch khuê truyện” nói rằng: “Thái âm tại Mão thì nhương (tức hoa cỏ rậm rạp), sang năm Thìn thì suy, xấu tệ hại. Đến năm Ngọ thì hạn hán, sang năm Mùi thì đẹp. Đến năm Dậu thì nhiều tốt, sang năm Tuất thì suy, xấu tệ hại. Đến năm Tý thì đại hạn, sang đến năm Sửu thì tốt đẹp.”

 

Cứ theo “Sử ký” như trên thì Sao Thái âm nguyên là thần sát xem sự được mùa hay mất mùa của ngũ cốc, xem nước nhiều hay khô hạn. Không thấy chỗ nào nói kiêng kị cho việc tu tạo như “Thần khu kinh” đã xếp nhóm. Lẽ nào có điều dị biệt chăng? Vả nữa, trong Tứ lợi tam nguyên xếp đặt vòng Thái tuế, khởi từ Tuế tiến lên ba ngôi vị là Thái âm (Tử vi gia gọi là Thiếu âm). Như thế là cùng tên mà khác ngôi vị, lý luận dễ gây nhầm lẫn vậy.



Cũng từ lý lẽ thiên tượng trên mà vua chúa xưa kia lấy đó làm quy chuẩn quy hoạch xây dựng cung điện. Bao đời đều quay mặt về nam, Sao Thái tử ở bên trái Đế vị, tức phía đông, vì thế nên xây dựng cung cho Thái tử cũng phải xếp đặt ở bên trái. Người đời thường gọi “Đông cung thái tử” là vì thế. Sao Hậu cung ở bên phải Đế vị, tức phía tây, vậy nên xây dựng cung cho Hoàng hậu cũng phải xếp đặt ở bên phải. Người đời thường gọi “Tây cung hoàng hậu” cũng là như thế. Đến Vương Mẫu Nương nương, vợ của Ngọc Hoàng Đại Đế cũng phải theo xếp đặt như trên. Người đời thường gọi Tây Vương Mẫu cũng là ý như vậy cả.”

 

 

LƯỢNG THIÊN XÍCH



Bài đăng phổ biến