TRI ÂM TRI KỶ

Tri âm là người hiểu nỗi lòng, tâm tư, suy nghĩ của mình qua khúc nhạc nơi tiếng đàn tiếng sáo. Còn tri kỷ là người hiểu được con người mình, hiểu được lẽ hay dở của mình, đồng tâm đồng lòng với mình, cộng khổ đồng cam với mình. Là tri âm, tri kỷ của nhau thường là bạn bè thân thiết, coi nhau như ruột thịt, không nề hà chuyện khổ, chẳng quản ngại hy sinh, cùng làm cho nhau tốt, thấy hại biết khuyên răn. Những bạn mà được như thế thì quý giá vô cùng, ngàn vàng khó đổi, tình thâm như thủ túc, nghĩa nặng tựa phu thê, là cái thứ tình bạn cao cả thiêng liêng, có khi cả đời không kiếm được vậy.

Điển tích về tri âm, tri kỷ nổi tiếng xưa nay phải kể đến chuyện Bá Nha và Chung Tử Kỳ cùng chuyện của Bào Thúc Nha và Quản Trọng.








Bá Nha họ Du tên Thụy, người ở Sính Ðô nước Sở (nay là phủ Kinh Châu, tỉnh Hồ Quảng). Tuy là người nước Sở, nhưng làm quan cho nước Tấn, chức đến Thượng Ðại Phu. Còn Tử Kỳ, họ Chung tên Huy, nhà tại Tập Hiền Thôn, gần núi Mã Yên, ở cửa sông Hán Dương, là một danh sĩ ẩn dật, báo hiếu cha mẹ tuổi già nua, làm nghề đốn củi.


Một hôm, Bá Nha phụng chỉ vua Tấn đi sứ qua Sính Ðô nước Sở, vào triều kiến vua Sở, trình
bày quốc thư, kết tình giao hảo giữa hai nước, được vua Sở và bá quan hết lòng trọng thị, mở tiệc đãi đằng. Khi việc bang giao đi đến hồi mãn, Bá Nha nhân dịp này thân hành về quê, trước là để tảo mộ tổ tiên, sau là thăm bà con thân thích. Việc công tư đôi đường trọn vẹn mới nhập lại triều cương, cáo biệt Sở vương lên đường về nước Tấn.


Thuyền trở về đến cửa sông Hán Dương, nhằm đêm rằm tháng tám, trăng sao đầy trời
, mặt sông muôn ánh bạc, phong cảnh hữu tình, Bá Nha truyền lệnh dừng thuyền dưới chân núi Mã Yên để thưởng ngoạn. Liền khi đó nhã hứng nổi lên, muốn dạo chơi một vài khúc nhạc, Bá Nha sai quân hầu lấy lư đốt hương trầm, xông cây dao cầm đặt trên án. Bá Nha trịnh trọng nâng đàn, so dây vặn trục, đặt hết tâm hồn đàn lên một khúc réo rắt, âm thanh quyện vào khói hương mà ngân nga, tâm tư vì thế mà phiêu bồng trong thanh vắng, chưa dứt khúc nhạc, bỗng đàn đứt dây.


Bá Nha giật mình tự nghĩ,
dây đàn bỗng đứt thế này ắt có người nghe lén tiếng đàn quanh đây”, bèn sai quân hầu lên bờ tìm xem có ai là người nghe đàn mà không lộ mặt. Quân hầu vâng lệnh lên bờ thì bỗng có người từ trên bờ lên tiếng:

- Xin đại nhân chớ lấy làm lạ, tiểu dân là tiều phu kiếm củi về muộn, trộm nghe được khúc đàn tuyệt diệu của ngài.

Bá Nha cười lớn nói:

- Người tiều phu nào đó? dám nói hai tiếng nghe đàn với ta, sao ngông cuồng thế?

Người trên bờ thưa lại:

- Ðại nhân nói làm sai quá. Há chẳng nghe: Thập thất chi ấp, tất hữu trung tín (Một ấp mười nhà ắt có nhà trung tín). Nếu đại nhân khinh chỗ quê mùa không người biết nghe đàn, thì cũng không nên có người khảy lên khúc đàn tuyệt diệu.

Nghe đáp xong, Bá Nha hơi choáng váng, hối hận những lời vừa thốt ra, vội bước ra mũi thuyền, dịu giọng nói:

- Người quân tử ở trên bờ, nếu thực biết nghe đàn, có nhận ra vừa rồi ta khảy khúc gì không?

- Khúc đàn đại nhân vừa tấu đó là: Ðức Khổng Tử khóc Nhan Hồi, phổ vào tiếng đàn, lời rằng:

Khá tiếc Nhan Hồi yểu mạng vong
Dạy người tư tưởng tóc như sương
Ðàn, bầu, ngõ hẹp vui cùng đạo

Ðến cuối câu ba thì dây đàn đứt, còn lại câu bốn là: 

   
Lưu mãi danh hiền với kỷ cương. 
  
Bá Nha nghe xong, đúng quá, mừng rỡ sai quân bắc cầu lên bờ mời tiều phu xuống thuyền đàm đạo.
Tiều phu ung dung xuống thuyền, chắp tay vái Bá Nha. Bá Nha vội đưa tay đáp lễ, nói:

- Xin quí hữu miễn lễ cho.

Rồi bắc ghế mời ngồi, phân ngôi chủ khách. Bá Nha nói:

- Quí hữu biết nghe đàn, ắt biết ai chế ra đàn?

Người tiều phu nói:

- Mong ơn Ngài hỏi tới, kẻ tiểu dân đâu chẳng dám nói hết cái biết của mình. Khi xưa, vua Phục Hy thấy tinh hoa của năm vì sao rơi xuống cây ngô đồng, chim phượng hoàng liền đến đó đậu. Vua biết ngô đồng là gỗ quí, hấp khí Ngũ hành, bén hơi Nhật nguyệt, có thể làm đồ nhã nhạc, liền sai người đốn cây ngô đồng xuống, cắt làm ba đoạn để phân Thiên, Ðịa, Nhân. Ðoạn ngọn thì tiếng quá trong mà nhẹ, đoạn gốc thì tiếng quá đục mà nặng, duy đoạn giữa thì tiếng vừa trong vừa đục, có thể dùng được. Liền đem ra giữa dòng sông nước chảy, ngâm bảy mươi hai ngày đêm theo số Địa sát, rồi lấy lên phơi khô ba mươi sáu ngày đêm theo số Thiên cương, chọn ngày tốt, truyền thợ khéo Lưu Tử Kỳ chế làm nhạc khí, bắt chước nhạc Cung Dao Trì, đặt tên là Dao cầm.

Dao cầm này dài ba thước sáu tấc, án theo 360 độ chu thiên, phía trước rộng tám tấc án theo Bát tiết, sau rộng bốn tấc án theo Tứ Tượng, dầy hai tấc án theo Lưỡng nghi, đầu như Kim đồng, lưng như Ngọc nữ, trên chạm Long phượng, gắn phím vàng trục ngọc. Ðàn ấy có mười hai phím tượng trưng cho mười hai tháng, lại thêm một phím giữa tượng trưng tháng nhuận, trên mắc năm dây, ngoài tượng Ngũ hành, trong tượng Ngũ âm: Cung, Thương, Giốc, Chủy, Vũ.

Vua Thuấn khảy Dao cầm, ca bài Nam phong, thiên hạ đại trị. Vua Văn vương bị Trụ vương giam cầm nơi Dũ Lý, con trưởng
Bá Ấp Khảo thương nhớ khôn nguôi, nên thêm một dây nữa gọi là dây Văn (Văn huyền), đàn nghe thêm ai oán.

Võ vương đem quân phạt Trụ, thêm vào Dao cầm một dây phấn khích gọi là dây Võ (Võ huyền).

Như thế, Dao cầm lúc đầu có năm dây, sau thêm hai dây Văn và Võ nữa thành bảy dây, gọi là Thất huyền cầm.

Ðàn ấy có sáu kỵ, bảy không, tám tuyệt, kể ra:

Sáu kỵ là: Rét lớn, nắng lớn, gió lớn, mưa lớn, sét lớn, tuyết rơi nhiều.

Bảy không là: Nghe tiếng bi ai và đám tang thì không đàn, lòng nhiễu loạn thì không đàn, việc bận rộn thì không đàn, thân thể không sạch thì không đàn, y quan không tề chỉnh thì không đàn, không đốt lò hương thì không đàn, không gặp tri âm thì không đàn.

Tám tuyệt là: Thanh cao, kỳ diệu, u uất, nhàn nhã, bi đát, hùng tráng, xa vời, dằng dặc.

Ðàn ấy đạt đến tận thiện tận mỹ, hổ nghe không kêu, vượn nghe không hú, một thứ nhã nhạc tuyệt vời vậy.

Bá Nha nghe xong , kính phục bội phần, hỏi thêm:

- Quí hữu quả thấu triệt nhạc lý. Khi xưa, Ðức Khổng Tử đang khảy đàn, Nhan Hồi từ ngoài bước vào, thoảng nghe tiếng đàn u trầm, nghi là có ý tham sát, lấy làm lạ, liền hỏi Ðức Khổng Tử. Ngài đáp: Ta đang khảy đàn, bỗng thấy mèo bắt được chuột, liền khởi lên ý niệm tham sát mà hiện ra tơ đồng. Nhan Hồi đã nghe tiếng đàn mà biết lòng người khảy đàn. Nay Hạ quan khảy đàn, lòng tư lự điều gì, quí hữu có thể đoán biết chăng?

- Ðại nhân thử dạo một khúc xem.

Bá Nha nối lại dây đàn, tập trung tinh thần đến chốn non cao, khảy lên một khúc. Tiều phu khen rằng:

- Ðẹp thay vòi vọi kìa, chí tại non cao.

Bá Nha ngưng thần, ý tại lưu thủy, khảy lên một khúc nữa. Tiều phu lại khen rằng:

- Ðẹp thay mông mênh kìa, chí tại lưu thủy.

Bá Nha thấy tiều phu đã rõ lòng mình qua tiếng đàn, lấy làm kính phục, liền gác đàn, sai bày tiệc rượu, đối ẩm luận đàm. Hai người hỏi nhau tên họ, nguyên quán, nghề nghiệp. Tiều phu giới thiệu họ Chung tên Huy, tự là Tử Kỳ, nhà ở Tập Hiền Thôn, ẩn cư phụng dưỡng cha mẹ già.
Bá Nha lại sinh lòng cảm mến Tử Kỳ về sự hiếu với phụ mẫu, nên xin kết nghĩa anh em, để không phụ cái nghĩa tri âm mà suốt đời Bá Nha chưa từng gặp.

Hai người đến trước bàn hương án lạy Trời Ðất, rồi lạy nhau tám lạy kết làm anh em. Tử Kỳ nhỏ hơn Bá Nha mười tuổi nên làm em. Hai anh em đối ẩm, cùng nhau tâm sự mãi cho đến sáng mà không hay. Tử Kỳ vội đứng lên từ biệt.

Bá Nha bùi ngùi xúc động, hẹn ước Tử Kỳ, đúng ngày Trung Thu năm sau, hai anh em sẽ hội ngộ nhau tại ghềnh đá này. Bá Nha lấy ra hai đỉnh vàng, hai tay nâng lên nói:

- Ðây là chút lễ, kính dâng bá phụ và bá mẫu. Tấm tình chí thành, em đừng từ chối.

Hai người từ biệt, lòng đầy lưu luyến.

Chẳng bao lâu, thuyền về tới bến. Bá Nha vào kinh đô tâu trình Tấn vương các việc, được Tấn vương khen tặng.

Thời gian lặng lẽ trôi qua. Nhớ ngày ước hẹn với Tử Kỳ, Bá Nha tâu xin vua Tấn cho nghỉ phép về thăm quê nhà.

Bá Nha thu xếp hành trang đến núi Mã Yên kịp ngày Trung Thu ước hẹn. Kìa là núi Mã Yên mờ mờ sương lạnh, tịch mịch, không một bóng người. Bá Nha nghĩ thầm:
Năm trước nhờ tiếng đàn mà gặp được tri âm, đêm nay ta phải đàn một khúc để gọi Tử Kỳ. Rồi sai đốt hương trầm, đem Dao cầm ra so dây. Bá Nha đặt hết lòng nhớ nhung của mình vào tiếng đàn réo rắt, bỗng trong tiếng đàn lại có hơi ai oán nổi lên. Bá Nha dừng tay suy nghĩ: Cung Thương có hơi ai oán thảm thê, ắt Tử Kỳ gặp nạn lớn. Sáng mai ta phải lên bờ dò hỏi tin tức về Tử Kỳ.

Ðêm ấy, Bá Nha hồi hộp lo âu, trằn trọc suốt đêm, chờ cho mau sáng, truyền quân hầu mang theo Dao cầm cùng mười đỉnh vàng, vội vã lên bờ, tiến vào núi Mã Yên. Khi qua cửa núi, gặp ngã ba đường, chưa biết nên đi đường nào, đành ngồi chờ người trong xóm đi ra hỏi thăm. Không bao lâu, gặp một lão trượng tay chống gậy, tay xách giỏ, từ từ đi lại. Bá Nha thi lễ, hỏi:

- Xin lão trượng chỉ giùm đường đi Tập Hiền Thôn?

- Thượng quan muốn tìm nhà ai?

- Nhà của Chung Tử Kỳ.

Vừa nghe ba tiếng Chung Tử Kỳ, lão trượng nhòa lệ, nói:

- Chung Tử Kỳ là con của lão. Ngày Trung thu năm ngoái, nó đi đốn củi về muộn, gặp quan Ðại Phu là Du Bá Nha kết bạn tri âm. Khi chia tay, Bá Nha tặng hai đỉnh vàng, nó dùng tiền này mua sách học thêm, ngày đi đốn củi, tối về học sách, mãi như vậy, sức khỏe hao mòn, sanh bệnh rồi mất.

Bá Nha nghe vậy thì khóc nức nở, thương cảm vô cùng. Lão trượng ngạc nhiên hỏi quân hầu thì biết thượng quan đây chính là Du Bá Nha, bạn tri âm của Chung Tử Kỳ. Chung lão biết vậy lại càng bi thảm hơn nữa, nói:

- Mong ơn thượng quan không chê con lão hàn tiện. Lúc mất, nó dặn rằng: Con lúc sống không vẹn niềm hiếu dưỡng, lúc chết đi không vẹn nghĩa tri giao, xin cha chôn con nơi cửa núi Mã Yên để thực hiện lời ước hẹn với quan Ðại Phu Bá Nha.

Lão phu y lời con trối lại. Con đường mà thượng quan vừa đi qua, bên phải có một nấm mộ mới, đó là mộ của Tử Kỳ. Hôm nay là đúng trăm ngày, lão mang vàng hương ra cúng mộ.

Bá Nha nói:

- Việc đời biến đổi, may rủi khôn lường. Xin lão bá đưa đến mộ Tử Kỳ, bốn lạy cho vẹn tình tri kỷ.

Khi đến phần mộ, Bá Nha sửa lại áo mũ, sụp lạy khóc rằng:

- Hiền đệ ơi, lúc sống thông minh anh tuấn tuyệt vời, nay chết, khí thiêng còn phảng phất, xin chứng giám cho ngu huynh một lạy ngàn thu vĩnh biệt.

Lạy xong, Bá Nha phục bên mồ, khóc nức nở. Sau đó, Bá Nha gọi mang Dao cầm tới, đặt lên phiến đá trước mộ, ngồi xếp bằng trên mặt đất một cách nghiêm trang, so dây tấu lên một khúc nhạc thiên thu, tiễn người tri âm tài hoa yểu mạng. Bỗng thấy gió rừng thổi mạnh, mây đen kéo lại, u ám bầu trời, hồi lâu mới tan. Có lẽ đó là anh hồn của Tử Kỳ hiển linh chứng giám. Tấu khúc nhạc xong, Bá Nha phổ lời ai oán, thay lời điếu, vĩnh biệt bạn tri âm, rồi đến vái cây Dao cầm một vái, tay nâng đàn lên cao, đập mạnh vào phiến đá trước mộ Tử Kỳ, đàn vỡ tan nát, trục ngọc phím vàng rơi lả tả.

Chung lão không kịp ngăn, sợ hãi nói rằng:

- Sao đại quan hủy cây đàn quí giá này?

Bá Nha liền ngâm bốn câu thơ thay câu trả lời:

Dao cầm đập nát đau lòng phượng
Ðàn vắng Tử Kỳ, đàn với ai?
Gió xuân khắp mặt bao bè bạn
Muốn kiếm tri âm, ôi khó thay!

Ông lão nói:

- Nguyên lai là vậy. Âm nhạc quả thực bác đại tinh thâm. Nhân đây, xin mời thượng quan đến nhà lão để lão cảm tạ tấm lòng tốt đẹp của thượng quan đối với con lão.

Bá Nha thưa:

- Cháu quá bi thương, không dám theo bá phụ về quý phủ e gợi thêm nỗi đau lòng. Nay nghĩa đệ vắn số mất rồi, cháu kính dâng lên bá phụ và bá mẫu mười đỉnh vàng, một nửa dùng mua mấy mẫu ruộng làm Xuân thu tế tự cho Tử Kỳ, một nửa xin để phụng dưỡng bá phụ và bá mẫu trong tuổi già. Chừng cháu trở về triều, dâng biểu lên vua xin cáo quan, cháu xin đến rước bá phụ, bá mẫu đến an hưởng tuổi già.

Nói xong, Bá Nha lấy vàng dâng lên, rồi khóc lạy mộ Tử Kỳ một lần nữa, mới trở về thuyền.

Chung lão cảm động khôn cùng, nghẹn ngào đứng lặng nhìn theo Bá Nha cho đến khi khuất bóng.

Chuyện Bá Nha và Tử Kỳ kể trên không khỏi khiến người ta bồi hồi thương cảm, dù mới gặp thoáng qua mà ngỡ như giao tình sâu đậm trăm năm vậy, thiên hạ hỏi còn ai có được tình bạn tri âm như vậy không?
Còn như thứ tình bạn tri kỷ, xin mời nghe tích về Bào Thúc Nha và Quản Trọng dưới đây.






Quản Trọng và Bào Thúc Nha là người nước Tề thời Xuân Thu, thân nhau từ thủa còn hàn vi. Khi đó hai người đi buôn, lúc chia lãi Quản Trọng thường giành phần hơn, người ngoài thấy thế bất bình, nhưng Bào Thúc Nha nói:


- Quản Trọng không phải tham mà lấy tiền ấy, chỉ vì gặp cảnh quẫn bách bất đắc dĩ nên ta cũng bằng lòng nhường cho hắn. 

Quản Trọng ở chỗ thị tứ thường bị lắm kẻ nạt dọa, hà hiếp mà không một lời phản kháng. Mọi người cười cho là hèn mạt, nhu nhược, nhưng Bào Thúc Nha cho bạn là người khoan dung.
Quản Trọng thường đàm luận cùng Thúc Nha nói nhiều điều sai lầm. Bào nói: 



- Bạn ta đó thời chưa gặp vận tốt, chứ nếu đến kỳ hưng long thì trăm việc ngàn câu chẳng thể sai được.

Đến lúc phải xung quân đánh giặc, Quản Trọng thường đi lùi xuống hàng sau, đến khi hồi doanh lại đi lên hàng trước. Mọi người đều chế giễu, cho đó là nhát, Bào Thúc Nha mới bênh rằng:

- Quản Trọng nào đâu phải nhát gan, hiềm vì quê nhà còn có mẹ già đang ngóng, phận con hiền cần cẩn trọng giữ mình để chờ ngày phụng hiếu mà thôi.

Đến thời Quản Trọng ra làm quan, cả ba lần ứng quan, cả ba lần đều bị bãi. Mọi người đều khinh, duy Bào Thúc Nha nói:

- Di Ngô (Tức Quản Trọng) đâu phải người bất tài, đó là vì chưa phải lúc thời vận hanh thông, chưa gặp được vua hiền trọng dụng nên công chưa được thành, danh chưa toại ý.

Sau Bào Thúc Nha được Tề Tương Công trọng dụng, cho làm đại phu, phò tá công tử Tiểu Bạch. Nhân khi đó mới đề cử Quản Trọng vào triều, được phò tá công tử Củ.

Nước Tề không lâu gặp phải cảnh loạn, Tề Tương Công bị giết, công tử Vô Tri làm cái việc tiếm đoạt ngôi vua, các anh em phải nạn huynh đệ tương tàn, kéo nhau chạy trốn hết cả. Một là để bảo toàn tính mệnh, hai là tìm kế cướp lại ngôi vua. Bào Thúc Nha hộ tống công tử Tiểu Bạch chạy sang nước Lã còn Quản Trọng hộ tống công tử Củ chạy sang nước Lỗ.

Không lâu sau thì nước Tề lại dấy lên mối loạn, Tề Vô Tri làm vua bạo ngược, bị đình thần lập kế giết đi. Nước Tề rơi vào thế không vua, hai công tử kia nghe được tin đó thì điều binh về chiếm.

Giữa đường thì hai quân gặp nhau, Quản Trọng vì muốn chủ mình có được ngôi vua, mới dùng cung tên nhắm vào công tử Tiểu Bạch mà bắn, chỉ thấy rằng bên đó rú lên, công tử Tiểu Bạch nhào thân xuống ngựa. Quân hộ vệ bốn bề che chắn cẩn mật rồi cả đoàn phóng như bay rời khỏi hiện trường.

Bên này thấy công tử Tiểu Bạch trúng tên đã chết thì ung dung theo lối nhập triều. Đến nơi mới biết công tử Tiểu Bạch vẫn còn toàn mạng, mũi tên kia chỉ trúng đai lưng. Âu cũng vì Trời dành ngôi báu cho người hiền, nên công tử Củ lại lâm vào chỗ hiểm.
Công tử Tiểu Bạch lên ngôi, tức là Tề Hoàn Công. Còn công tử Củ thất thế nên bị tróc nã, lại chạy về nước Lỗ tị nạn, bị vua nước ấy bắt giết đi, riêng Quản Trọng thì bị nhốt vào xe tù, cho quân dẫn độ về nước Tề định đoạt.

Khi đó Tề Hoàn Công phong cho Bào Thúc Nha làm thừa tướng, Thúc Nha cho rằng mình không đủ năng lực đảm đương mới dốc sức tiến cử Quản Trọng giữ chức đó. Tề Hoàn Công nói rằng:

- Người này bắn ta một tên, thù này còn chưa quên, mũi tên này ta còn giữ, làm sao có thể dùng hắn được. Đợi hắn về đây ta xé ra làm trăm mảnh cho hả mối giận trong lòng.

Bào Thúc Nha đáp lại:

- Quản Trọng bắn tên vào bệ hạ là có lòng trung với công tử Củ. Bây giờ bệ hạ dùng ông ta thì ông ta sẽ vì bệ hạ mà đem cung tên bắn cả thiên hạ.

Sau Tề Hoàn Công cũng nghe theo lời tấu, bổ Quản Trọng làm thừa tướng đương triều, giúp cho nước Tề trở thành cường thịnh, được liệt vào “Chiến quốc thất hùng”, Tề Hoàn Công cũng được liệt vào hàng “Ngũ bá”. Mỗi lần ôn lại chuyện cũ, Quản Trọng thường nói: “Sinh ra ta là cha mẹ, hiểu được ta trên đời chỉ có Bào Thúc Nha mà thôi”.

Xét ra thì thấy, Bào Thúc Nha hiểu rõ con người Quản Trọng từ thủa hàn vi, nhìn ra cái tài từ khi còn thất thế, bao dung những chuyện nhỏ, bỏ cả công danh để tiến cử nhân tài. Cũng vì thế mà Quản Trọng mới được tiến thân, vua Tề mới có tôi hiền ra công dựng nước. Hiểu bạn rõ như vậy, ai sánh được với Bào Thúc Nha?



LƯỢNG THIÊN XÍCH

Bài đăng phổ biến