TRUYỀN THUYẾT VỀ ĐỨC THÁNH BẢO NINH VƯƠNG


Đức Thánh sư Chu Văn An, húy là Chu An, hiệu là Tiều Ẩn, tự là Linh Triệt, người làng Văn, xã Quang Liệt, huyện Thanh Đàm (nay là xóm Văn, xã Thanh Liệt, Huyện Thanh Trì, Hà Nội), đỗ khoa Thái học sinh thời nhà Trần, nhưng ông không ra làm quan mà lui về làng Huỳnh Cung để mà lập trường dạy học, mở mang dân trí. Tính ông khẳng khái, nghiêm cẩn, cương nghị và thẳng thắn, luôn sửa mình cho trong sạch, lợi lộc chẳng thiết tha, công danh không vương vấn. Việc dạy bảo học trò vì thế mà có kỷ cương, người người kéo đến xin học. Ước chừng học trò của ông ấy cũng đến ba nghìn người vậy. Nhiều người học ông ấy xong được bổ ra làm quan lớn ở triều cương, công danh có thể đến tột bậc nhưng hễ về cửa nhà thầy là lại cung kính lễ phép, không dám bỏ đi cái đạo thầy trò.


Vạn Thế Sư Biểu Chu Văn An.




Trong số những học trò của ông Chu Văn An có một thư sinh thường chăm đến nghe thầy giảng dạy, nhưng không rõ lai lịch từ đâu mà đến, cứ chăm chỉ qua lại như thế hồi lâu. Ông Chu Văn An mới cho người ngầm đi theo để dò xét hành tung, chỉ thấy thư sinh kia đến bãi lau sậy ven bờ đầm Lân Đàm rồi biến đi đâu mất. Ông Chu Văn An biết đó là Thủy thần vậy.

Thời ấy phải năm trời xanh bắt tội, làm ra đại hạn cả một vùng. Lúa khoai dần héo khô, đất ruộng dần hoang hóa, nước sông hồ trở lên cạn kiệt, tình thế thật khẩn cấp. Ông Chu Văn An mới gọi người thư sinh, là Thủy thần tới, hỏi xem có cách gì cứu dân hay không. Thần mới nói rằng:


- Trời làm ra hạn hán, làm trái mệnh trời sẽ phạm phải tội chết, nhưng lời thầy dạy thì không thể không vâng theo. Vậy sau này có ra sao thì mong thầy chu toàn cho con.


Nói xong, Thủy thần liền lấy nghiên mài mực làm phép, dùng bút mà vẩy mực đó ra khắp bốn phương, mực đen vẩy ra mà thành mây đen mù trời, mực son vung tới mà thành sấm vang chớp giật. Thoáng chốc thì trời đã đổ mưa như trút, nước đen như mực. Mưa độ một tuần thì ao hồ ngập nước, ruộng đồng tươi nhuận, Thủy thần mới vội từ biệt thầy học mà trở về đầm.

Trời cao biết thiên cơ đã bị làm trái, liền sai Thiên Lôi đi trừng phạt, sấm nổ vang trời, sáng hôm sau thì dân chúng phát hiện trên mặt đầm nổi lên một xác thuồng luồng. Thầy Chu Văn An biết rằng đó là xác của Thủy thần, liền cùng học trò vớt lên đem đi táng. Đến nay mộ Thần vẫn còn ở khu vực cầu Bươu, huyện Thanh Trì, còn đầm Lân Đàm sau được đổi tên là Long Đàm. Đến nay, đầm ấy được gọi là Linh Đàm vậy.

Trận mưa một tuần mà Thần đã làm ra đó, đủ cứu đói cho cả một tổng. Các làng Tứ Kỳ, Bằng Liệt, Tựu Liệt, Đại Từ, Linh Đàm, Tả Thanh Oai (làng Tó) và Lê Xá đều chịu ơn, lập đình thờ, tôn làm Đức Thánh Bảo Ninh Vương, là Thành Hoàng của các làng ấy, quanh năm hương khói không dứt. Chỗ đất mà Thần hiện ra, dân chúng dựng một ngôi miếu khang trang với năm gian nhà gỗ, hậu cung ba gian, nối thành kiến trúc hình chữ “công”. Miếu đó đặt tên là “Xá Càn Cổ Miếu”, dân gian thường gọi là miếu Gàn.

Cổng tam quan miếu Gàn.

Đây là ngôi miếu chính, thờ Đức Thánh Bảo Ninh Vương, để bảy làng kia đến dịp lễ hội sẽ rước kiệu Thành Hoàng của làng mình tới cùng tế lễ.


Nói về cái tên của ngôi miếu. Dân gian quen gọi là miếu Gàn, nhưng tại làm sao lại có cái tên ấy thì ngay chính người dân quanh vùng, tin rằng cũng ít người hiểu rõ. Nghe đâu có vị nào đó ở viện Nghiên Cứu Hán Nôm tới tìm hiểu và khẳng định rằng, chữ Gàn chính là chữ Kan hay Ikan, có nguồn gốc từ tiếng Mã Lai, nghĩa là Cá. Điều này theo tôi thật là sai lầm rất lớn vậy. Vì sao lại thế? Ta cứ xét theo tên gốc của ngôi miếu mà đến giờ vẫn khắc ngoài cổng sẽ rõ. “Xá Càn Cổ Miếu” (舍 乾 古 ). Chữ Gàn mà dân gian thường dùng, chính là đọc chệch của từ Càn mà ra. Miếu Gàn chính là miếu Càn vậy.

Nay ta xét nghĩa từng chữ. Hai chữ Cổ Miếu thì chắc không phải nói đến rồi. Cổ Miếu nghĩa là ngôi miếu cổ, miếu lâu đời vậy. Còn hai chữ Xá Càn mới cần làm rõ nghĩa mà thôi.

Chữ Càn (), tức là quẻ Càn trong kinh Dịch, tượng là trời, là rồng vậy. Hào sơ cửu của quẻ Càn là: Tiềm long vật dụng (rồng lặn chớ dùng). Hào hai là : kiến long tại điền, lợi kiến đại nhân (rồng hiện ra ở ruộng, lợi về sự thấy người lớn)…
Vì quẻ Càn có đại biểu là rồng, lại là linh vật làm mưa, chủ quản nguồn nước trong thiên hạ nên Thủy Thần đầm Lân Đàm cũng chính là Long Vương vậy.

Còn chữ Xá (舍) nghĩa là nhà trọ, nhà ở tạm vậy. Ký túc xá của sinh viên đương thời là một ví dụ dễ hiểu cho nghĩa của từ Xá.

Cho nên, cái tên dân gian miếu Gàn, chính là miếu Càn, là cách gọi vắn tắt của Xá Càn Cổ Miếu, là nơi ở tạm thời của Thủy Thần (Long Vương) đầm Lân Đàm (Linh Đàm) khi ngài còn hiện thân chốn nhân gian trước khi hóa Thánh. Đây cũng chính là tâm ý của tiền nhân khi đặt tên cho ngôi miếu. Nay biên ra đây để hậu thế đời sau được rộng hiểu hơn vậy.

Cũng theo thần tích kể lại, khi đức Thánh Bảo Ninh Vương làm phép hô mưa, ngài đã vung cả nghiên và bút lên trời. Chỗ cái nghiên mực rơi xuống đất làng Quỳnh Đô thì biến thành cái đầm, nước đen như mực. Dân gian vẫn gọi là đầm Mực. Còn bút thì rơi xuống làng Tả Thanh Oai (làng Tó), vì thế nên làng này phát khoa danh nức tiếng cả vùng. Ông Ngô Thì Sỹ, Ngô Thì Nhậm đều sinh ra ở làng này vậy.

Miếu Gàn.

Còn chiếu theo Phong thủy của ngôi miếu. Bản trạch tọa Mùi hướng Sửu, trước mặt là hồ Linh Đàm, là minh đường tụ thủy, lại rộng lớn thênh thang tựa như có thể dung nạp vạn mã. Vượng khí lợi tài phát trọn vẹn ở thời vận Thượng nguyên. Đến thời Trung nguyên thì thoái trào, duy chỉ phát ở giữa nguyên mà thôi. Còn như sang đến Hạ nguyên thì đa số lại phát về nhân đinh, duy chỉ có giữa nguyên lại phát cả đinh lẫn tài. Cho nên dân chúng bảy làng có thờ ngài ấy tất nhiên lộc tài được hưng thịnh, nhân quần ngày một nhiều thêm.


Vị trí và phương hướng của miếu Gàn trên bản đồ.


Thực tế đã cho thấy từ xưa, bảy làng thờ Ngài ấy, ngoài giữ cái nghiệp nông phu làm căn bản thì làng nào cũng có nghề phụ cả, đời sống tùy theo thời cuộc, lúc nào cũng thấy khá hơn những làng thuần nông, bởi thế nên được sắc phong là Thượng Đẳng Phúc Thần để tuyên dương công trạng to lớn mà Thần đã cứu dân một tổng khỏi nạn hạn hán, lại phù hộ cho dân chúng được nối đời ấm no, công lao thật không thể nghĩ bàn vậy.

LƯỢNG THIÊN XÍCH

Bài đăng phổ biến