THẦN TÍCH VỀ BÀ CHÚA KHO Ở BẮC NINH
Cho đến nay, không ai biết được bà Chúa Kho
tên thật là gì, cũng chẳng rõ bà sinh năm nào. Thần tích lưu truyền cũng như
các nhà làm sử thời xưa đã ghi lại rằng, bà sinh vào thời nhà Lý tại phủ Thiên
Đức (Bắc Ninh), là người làng Quả Cảm, phía nam sông Như Nguyệt (ngày nay gọi
là sông Cầu).
Tôn tượng Bà Chúa Kho ở Bắc Ninh. |
Cũng theo Thần tích thì gia cảnh của bà vốn
cũng tầm thường, gốc gác nông phu, gia cảnh nghèo khó. Sau vì cơ duyên nào đó
mà bà được thành Hoàng hậu dưới triều nhà Lý, được phong là Linh Từ Quốc Chế.
Thời đó đất đai khắp nơi hoang hóa, cư dân không quần tụ, việc nông tang chẳng
được thịnh hưng. Bà xin với vua Lý về quê khai khẩn đất đai, mở làng lập xã, cải
tạo đất hoang thành đồng, phân bờ chia ô để làm ruộng. Dân cư dần một nhiều
thêm, mà việc đồng áng cũng dần vượng ra nữa. Nhờ công trạng của bà mà hình
thành nên cả một vùng dân cư phồn vinh, trải dài vào tận vùng Châu Hoan (Nghệ
An và Hà Tĩnh), góp phần cho dân sinh quốc kế của Đại Việt trở lên thịnh đạt.
Người khắp nơi ghi ơn bà lắm vậy.
Rồi đến ngày giặc dã nổi lên, quân nghịch nhà
Tống tràn sang cướp phá, thế giặc rất mạnh, ước chừng khoảng mười vạn đại quân,
do Quách Quỳ lãnh đạo. Quân và dân Đại Việt do ông Lý Thường Kiệt thống lĩnh,
chia làm hai phòng tuyến chống bọn giặc nghịch. Tuyến đầu thì chống giặc ở ngay
biên giới, do các thủ lĩnh người đồng bào thiểu số chỉ huy, tuyến sau thì ở
phía nam sông Như Nguyệt. Lại phân ra thành hai đạo quân. thủy quân sẽ do tướng
Lý Kế Nguyên lãnh đạo, còn lục quân thì do ông Lý Thường Kiệt trực tiếp điều động.
Vùng đất phủ Thiên Đức, cụ thể là bờ nam sông Như Nguyệt mà bà Linh Từ Quốc Chế
khai khẩn trở thành chiến trường trọng yếu thủ giữ Thăng Long.
Nhờ sự tháo vát và khéo tổ chức sản xuất nên
bà được giao trông nom kho tàng lương thực quốc gia, phục vụ hậu cần cho tuyến
đầu chống giặc. Đây cũng là nhiệm vụ quan trọng, góp phần tạo nên chiến thắng
sông Như Nguyệt vang danh thiên hạ. Bởi lẽ lương thảo là thứ tiên quyết để yên
lòng quân sĩ. Nơi đây vốn đã được bà Linh Từ Quốc Chế kiến thiết thành trù phú,
sản vật đầy đồng, thóc lúa tràn kho. Cho nên khi thiết lập phòng tuyến chống giặc
ở đây, việc đảm bảo quân lương và kho tàng cũng có nhiều thuận lợi vậy.
Khi cuộc chiến với giặc Tống gần đến thời kỳ
kết thúc, bà Linh Từ Quốc Chế đã bị giặc giết hại trong lần phát lương. Vua Lý
xót xa, hạ chỉ sắc phong cho bà là Phúc Thần. Dân chúng tiếc thương người liệt
nữ nên đã lập đền thờ tự ngay tại lưng chừng núi, là kho lương của bà trước
kia, Thần hiệu là Chưởng Quản Quốc Khố Công Chúa, hương lửa tứ thời cúng tế, chẳng
lúc nào gián đoạn. Sau, ngôi đền lại được gia phong là Chủ Khố Linh Từ. Cái tên
“Bà Chúa Kho” được hình thành từ đấy, và núi đó cũng được gọi là núi Kho vậy.
Bà Chúa Kho từ khi hóa Thánh, không mấy khi
hiển hiện tôn nhan cho người đời được chiêm bái. Nhưng những người cầu đến bà
thì thường được như ý lắm. Tương truyền vào thời kỳ nước ta chống giặc Pháp Lan
Tây, một thương nhân người Pháp đã có dự tính xây dựng nhà máy giấy Đông Dương
tại núi Kho, bao phủ hết cả, còn đòi phá cả đền Bà Chúa Kho để lấy đất phục vụ
việc đó. Biết được kế hoạch trên, người làng Cổ Mễ quyết liệt phản đối, còn
thương nhân người Pháp kia cũng quyết đòi làm cho được. Đến ngày tập hợp công
nhân chuẩn bị phá đền thì đột nhiên vợ của thương nhân kia lăn ra đau bụng dữ dội.
Bác sĩ được mời đến chẩn bệnh và phục dược, nhưng triệu chứng chẳng thể giảm
đi, cũng không thể chẩn ra được bệnh gì. Khi đó có người công nhân người làng Cổ
Mễ, mách cho thử dâng lễ cầu Bà Chúa Kho xem sao. Thương nhân nọ nghe lời, đàn
lễ được sắp ra, hương đăng cầu cúng vừa dứt thì bà kia liền khỏi bệnh.
Rồi đến thời kỳ chiến tranh chống Mỹ Đại Lợi,
vào năm Đinh mùi (nhằm năm 1967 theo Tây lịch), quân Mỹ Đại Lợi điên cuồng đánh
phá miền Bắc, tỉnh Bắc Ninh cũng là nơi trọng điểm mà bọn nghịch giặc thả bom
phá hoại. Bom đạn trút xuống như mưa, san bằng cả làng Cổ Mễ, nhiều nơi trong tỉnh
bị hư hại nặng nề, núi Kho cũng bị cày xới tan nát ra cả, nhưng tuyệt không có
quả bom hòn đạn nào động được đến đền Bà Chúa Kho. Cầu Đáp Cầu ở ngay cạnh đền
Bà Chúa, cầu phao công binh cũng lắp cách đó không xa, ngày đêm bị bom đánh, ấy
vậy mà không có quả bom nào bay lạc vào đền. Những chuyện như thế chẳng thể giải
thích được, chỉ cho là may mắn xảy ra. Nhưng hai chữ may mắn chẳng phải là phúc
đó hay sao. Phúc của Bà đã tuyên dương ra cả một xứ sở rộng lớn thì họa hại
không thể xâm vào đền nhà Bà Chúa được vậy.
Thời ngày nay, lễ nghi được trung hưng trở lại nên người
ta đi lễ ở đền Bà Chúa Kho nhiều lắm, chủ yếu là người trong thương trường,
giao dịch kinh thương hàng ngày, đến đền Bà Chúa để cầu tài cầu lộc, dâng lễ
vay vốn nhà Thánh để cầu cho việc thương mại được thuận thông, lợi nhuận thu về
được dồi dào tốt đẹp. Dần dần đã trở thành một tục lệ, tín ngưỡng riêng biệt,
khác hoàn toàn với những đền miếu khác. Và mỗi khi nhắc đến chuyện đi lễ đền Bà
Chúa Kho thì chúng dân mặc nhiên nghĩ đến chuyện vay vốn của bà. Người ta tới đền,
hoặc là làm lễ vay vốn, hoặc là làm lễ tạ và trả vốn bà, chứ chẳng thấy ai đến
để cầu danh, cầu tự, cầu y phục dược ở nơi bà cả. Chuyện đó hãn hữu lắm. Có lẽ
dân gian cho rằng bà là chưởng quản kho gạo kho tiền quốc gia, vì thế mà chỉ đến
đây vay vốn bà thì mới linh chăng?
Vả lại, tục vay vốn Chúa Bà này sơ khởi có lẽ
vào thời nước ta bị Pháp Lan Tây đô hộ. Khi đó đã có nhiều người từ Hà Nội, Hải
Phòng và các tỉnh lân cận đến để dâng hương cầu khẩn vay vốn bà. Lâu dần tục lệ
này càng thịnh ra mãi cho đến ngày nay. Dù bà Chúa có cho vay thật hay không,
nhưng xét ra cũng đã làm phấn chấn
tinh thần cầu tài của người đến lễ, đó cũng là cái lý do đắc tài sau này. Chiểu
theo nguyên nhân thành bại của thế nhân, thì có năm thứ là: “nhất phúc, nhị trạch,
tam mệnh, tứ tích đức, ngũ độc thư”. Phúc chính là may mắn vậy. Theo góc nhìn
Đông Phương thì đó là phúc ấm Tổ tiên để lại, là mộ phần Tổ tiên hun đúc mà phù
trợ, là may mắn do Thần linh ban cho. Hết thảy những thứ mà người ta chẳng tự
làm mà có, ấy đều là phúc cả. Cho nên người ta đi
cầu tài nơi cửa Bà Chúa Kho, cũng là cầu có được cái may mắn trong việc kinh
thương, góp thêm phần thành công nhiều hơn cho việc làm của họ. Đấy cũng là điều
chính danh chứ chẳng phải tà ngụy gì cả.
Lại xét đến Phong thủy của ngôi đền. Bản trạch tọa
sơn hướng thủy, nằm tại lưng chừng núi Kho, sau lưng là cao sơn thực địa, trước
mặt là minh đường rộng rãi, lại có thủy khí phóng quang, bên tả là dòng sông
Như Nguyệt (tức sông Cầu) uốn lượn mà chảy đi, cánh hữu thì dân cư quần tụ. Ngôi
đền tọa Càn hướng Tốn, kiêm về Hợi Tị 3 độ. Khởi tạo vào thời nhà Lý, đến thời
nhà Lê thì cải tạo cho rộng lớn ra.
Cứ theo khí số thì thấy rằng, đền này khoảng đầu
và giữa Thượng nguyên thì vượng tài vượng danh. Nhân đinh cũng có lợi lạc. Duy
đến cuối nguyên thì bại cả đinh lẫn tài.
Đến thời Trung nguyên thì chỉ vượng tài ở giữa
nguyên mà thôi, đầu nguyên theo lý thì bại tài, nhưng may lại đắc khí Thành môn
nên được cứu giải. Đến cuối nguyên thì nhân đinh hưng vượng nhưng tài nguyên lại
thoái đi mất.
Bước sang thời Hạ nguyên, giữa nguyên thì đinh
tài lưỡng vượng do đắc cách cục Châu bảo, đầu nguyên và cuối nguyên thì chỉ được
vượng về nhân đinh mà thôi, tài khí suy bại cả.
Như hiện giờ đang ở vận 8, thời kỳ giữa của Hạ
nguyên. Khí số đắc cách Châu bảo, đinh tài lưỡng vượng, lại có Văn Xương tinh
chiếu tới lên danh tiếng vang xa. Những người tới đây cầu tài cầu danh tất sẽ được
cát lợi. Những nguyên khác cũng suy ra từ đó.
LƯỢNG THIÊN XÍCH