NGUYÊN LÝ KHỞI LỆ CỦA QUAN PHÙ


     “Lịch lệ” nói rằng: “Quan phù là hung thần của Tuế, chủ về việc kiện tụng đến quan nha. Chỗ phương nó quản không thể khởi công động thổ, phạm vào thì mắc phải kiện tụng, tù tội. Thường đóng ở trước Tuế bốn thời.”

     Còn ông Tào Chấn Khuê thì nói rằng: “Quan phù là quan cầm phù tín trong Tuế, chức quyền về văn. Thường đóng tam hợp ở thời trước. Giả như thời lệnh của Tuế là Dần. Dần Ngọ Tuất là tam hợp, thì Ngọ là Quan phù văn quyền. Ngoài ra phỏng theo như thế”.






     Lượng Thiên Xích chú: “Xét theo nghĩa như trên thì thấy rằng, Quan phù chẳng phải là tam hợp với Thái tuế hay sao? Vậy tại sao tam hợp với Tuế mà lại nói là hung được? Kỳ thực không thể gộp lại làm một mà nói được, bởi tam hợp với Tuế, tức là tính đến khí Ngũ hành sinh diệt, cứ y theo vòng Trường sinh mà khởi. Còn Quan phù là chỉ về sự vận động, tương tác với bản thể của Tuế. Có mười hai Tuế thì có mười hai sự vận động, tương tác, Tử vi gia gọi đó là vòng Thái tuế vậy. Gồm có: Thái tuế, Thiếu dương, Tang môn, Thiếu âm, Quan phù, Tử phù, Tuế phá, Long đức, Bạch hổ, Phúc đức, Điếu khách, Trực phù.

     Vòng Thái tuế như đã nói ở trên, kỳ thực Kiến trừ gia cho đó là pháp Tứ lợi tam nguyên. Tên gọi như sau: Thái tuế, Thái dương, Tang môn, Thái âm, Quan phù, Tử phù, Tuế phá, Long đức, Bạch hổ, Phúc đức, Điếu khách, Bệnh phù. Lấy đồ hình Tuế Tý làm mẫu thì những Thần sát đó được bài bố như sau:


     Sở dĩ có sự khác tên như trên là do Tử vi gia có sự trùng lặp. Thái dương, Thái âm là chính tinh và Bệnh phù là phụ tinh, bên Tử vi đã có cả, bởi thế mới đổi Thái dương, Thái âm, Bệnh phù của Kiến trừ thành Thiếu dương, Thiếu âm và Trực phù để dễ xét đoán mà thôi. Nhưng dù có hoán đổi tên ra sao mặc lòng, nghĩa lý tính toán thì vẫn giống nhau vậy.

     Trong mười hai Sao trên, chỉ có Thái dương, Thái âm, Long đức, Phúc đức là tốt. Còn các Sao khác là xấu cả. Bởi lẽ do tương tác với Thái tuế và Tuế phá mà ra. Như Thái tuế và Tuế phá đều là hung thần, không dám xâm vào. Tang môn với Điếu khách hợp với Tuế phá, nên hung. Bạch hổ với Quan phù hợp với Thái tuế, nên hung. Bệnh phù là cựu Thái tuế, còn Tử phù là cựu Tuế phá, nên cũng hung. Duy có Thái dương là khí mà Tuế đang tiến tới. Long đức là khí mà Tuế phá chưa tiến tới, nên cát. Thái âm và Phúc đức ở thế trung dung, không thiên về bên nào, nên cát vậy.

     Như Sao Quan phù, trong kinh điển đã nói rõ rằng đó là Sao văn quyền, là thần cầm phù tín của Tuế, phạm tới sẽ có hung tai, kiện tụng, tù tội xảy ra khi mà khởi công động thổ vào phương nó quản, các Phong thủy gia thường chú ý đến nó mà tránh phạm phải cho khỏi di họa kiện tụng về sau vậy.

     Ví dụ như năm Tý, mà đem khí cụ đi động thổ tu tạo ở phương Thìn, tức là phạm đến Quan phù. Cần phải đề phòng đến chuyện cãi vã, kiện tụng, tranh chấp. Ngoài ra phỏng theo thế.”


LƯỢNG THIÊN XÍCH


Bài đăng phổ biến