KHỔ THÂN LÀM VIỆC NGHĨA
Mặc
Tử ở nước Lỗ sang nước Tề, qua nhà người bạn cũ, vào chơi. Người bạn nói chuyện
với Mặc Tử rằng: "Bây giờ thiên hạ ai còn thiết đến việc "nghĩa",
một mình ông tự khổ thân để làm việc nghĩa, thì có thấm vào đâu! Chẳng thà thôi
đi có hơn không?
Mặc Tử. |
Mặc
Tử nói: "Bây giờ có người ở đây, nhà mười đứa con, một đứa cày, chín đứa
ngồi ăn không, thì đứa cày chẳng nên càng chăm cày hơn lên ư? Tại sao thế? Tại
đứa ăn không (thì) nhiều, đứa đi cày (thì) ít. Bây giờ thiên hạ chẳng ai chịu
làm việc nghĩa, thì ông phải biết khuyên tôi càng làm lắm mới phải, có đâu lại
ngăn tôi như thế!"
Lời
Bàn:
Trong
khi nhân tâm thế đạo suy đồi, mình là người còn đứng vững được, thì sao lại chịu
suy đồi với thiên hạ cho cùng trôi một loạt. Vì nếu ai cũng như thế cả, thì còn
đâu là người cảnh tỉnh được kẻ u mê để duy trì lấy nhân tâm thế đạo nữa? Cho
nên những người thức thời, có chí, dù ở vào cái đời biến loạn đến đâu, cũng không
chịu đắm đuối vào cái bất nghĩa, khác nào như: cây tòng, cây bách, mùa đông
sương tuyết, mà vẫn xanh, như con gà trống, mưa gió tối tăm mà vẫn gáy. Những bậc
ấy chẳng những thế mà thôi, lại còn đem bao nhiêu tinh lực tâm trí ra, cố gắng
giữ lấy phong hóa mà dìu dắt, mà đưa đường cho những kẻ u mê đắm đuối. Như Mặc
Tử đây, cho là đời là suy biến, coi sự làm việc "Nghĩa", sự cổ động
việc nghĩa như cái chức vụ của mình phải làm, thực là người có công với loài
người vậy.
Đại nghĩa Mạnh Thường Quân. |
Lượng
Thiên Xích bàn:
Người
xưa coi trọng "ngũ đức lập thân", thường lấy đó ra để mà làm tiêu chuẩn
thước đo nhân phẩm con người. Vậy thế nào là "ngũ đức"? Đó là đức
Nhân, đức Lễ, đức Nghĩa, đức Trí và đức Tín vậy. Người có đức Nhân thì biết yêu
người mến vật, có đức Lễ thì biết Tôn kính bề trên và tôn trọng kẻ dưới, có đức
Nghĩa thì biết làm vì người khác và làm vì lợi ích chung, có đức Trí thì khôn
ngoan và thông hiểu sự lý cũng như kiến thức ở đời, có đức Tín là biết giữ niềm
tin cho mình và tạo niềm tin cho người (Luận về hai chữ phúc đức. Cùng tác giả).
Bài
này là nói về chuyện Mặc Tử khổ thân để làm việc nghĩa. Tại sao lại khổ thân? Bởi
xưa giờ lòng thế nhân đa phần chỉ muốn vun vào cho mình, chẳng muốn đắp cho người,
bởi vậy người nào lo cho người thì sẽ bị nói là "ôm rơm rặm bụng", làm
những thứ chẳng thuộc bổn phận của mình thì bị kêu đó là dở hơi, nhiều khi cứu
người ta nhưng lại bị buộc cái tai vạ vào mình. Những chuyện lấy oán báo đức
trong thiên hạ thì đời nào cũng có.
Lại
ví như những chuyện thời nay, người có đức Nghĩa, bỏ công ra làm đường xây cầu
cho dân sử dụng, nhưng lại bị ép mà phải dỡ đi. Hay như chuyện cứu tế tình nguyện
ở nơi nghèo khó, nhưng bị cản ngăn cấm đoán. Để mà làm được việc Nghĩa như thế
thì phải khổ công mà quỵ lụy người ta. Như vậy có phải là giống với hoàn cảnh của
Mặc Tử khi xưa hay không?
Hay
như những chuyện dịch bệnh hoành hành. Dù là người có trách nhiệm hành chính
hay trách nhiệm cộng đồng thì cũng đều xung phong ra tuyến đầu chống dịch.
Nhưng lại bị hàng xóm láng giềng, hay thậm chí là họ hàng thân thích kì thị,
coi đó là cái mầm bệnh tiềm tàng mà tránh cho xa. Người ta xả thân làm việc
nghĩa như vậy nhưng những người cận kề lại lấy cái lòng vị kỷ mà phòng bị, như
vậy thì những người xả thân vì nghĩa đó có được vui hay không?
Những
chuyện hành Nghĩa trên, quảng đại quần chúng đều hoan nghênh mà khích lệ, nhưng
những người liên đới thì chẳng nghĩ như vậy. Đó là vì họ chỉ muốn vun cho mình
mà không muốn đắp cho người vậy, có khác gì với người bạn đã khuyên Mặc Tử đừng
làm việc Nghĩa nữa?
Bậc
Nhân giả mà không có Nghĩa thì bất Nhân, bậc Lễ giả mà không có Nghĩa thì thất
Lễ, bậc Trí giả mà không có Nghĩa thì bất Trí, bậc Tín giả mà không có Nghĩa
thì bất Tín. Đó là lý do vì sao Thánh nhân lại xếp chữ Nghĩa ở chính giữa ngũ đức.
Bởi
thế từ cổ chí kim, người làm việc nghĩa vẫn cứ khổ thân mà làm, và trong ngũ đức,
đức Nghĩa là đức duy nhất đem đắp cho người mà không vun vào mình vậy.
LƯỢNG THIÊN XÍCH