GIAI THOẠI VỀ LƯỠNG QUỐC TRẠNG NGUYÊN MẠC ĐĨNH CHI
Trong lịch sử nước Nam ta, Mạc Đĩnh Chi là một trong số bốn
vị Trạng nguyên được tôn làm Lưỡng quốc Trạng nguyên. Kể ra như vậy thật là
vinh hạnh lắm, bởi xuyên suốt từ khi dựng nước đến hết thời kỳ Phong kiến, nước
ta có tổng cộng bốn mươi chín vị Trạng nguyên, nhưng chỉ có bốn vị là được
phong hiệu Lưỡng quốc Trạng nguyên mà thôi. Ngài Mạc Đĩnh Chi chính là một
trong bốn vị đó.
Ông Đĩnh Chi, tự là Tiết Phu, hiệu là Tích Am. Theo sử sách
thì ông nguyên là người Lan Khê, huyện Bình Hà, châu Nam Sách, lộ Lạng Giang,
sau đó dời đến làng Lũng Động, huyện Chí Linh, tỉnh Hải Đông (nay là thôn Long
Động, xã Nam Tân, huyện Nam Sách, tỉnh Hải Dương). Tổ tiên ông là Mạc Hiển
Tích, là người đỗ Thái học sinh tại khoa thi năm Quảng Hựu thứ 2 (Bính dần
1086), thời vua Lý Nhân Tông. Sử cũng mô tả ông Đĩnh Chi là người thông minh
hơn người, nhưng dung mạo rất xấu xí, người gày gò, thấp bé, miệng rộng, trán
dô, mũi tẹt, tai vểnh, hình tướng thật là kỳ quái. Vậy nguyên cớ vì sao ông lại
có bộ dạnh như thế?
Giai thoại kể lại
rằng, thời xưa quê hương ông dân cư còn thưa thớt, làng xóm ở ven bìa rừng, lại
có nhiều gò đống, cây cối um tùm. Một lần bà mẹ của Mạc Đĩnh Chi (khi đó vẫn
chưa sinh ra Đĩnh Chi) thường vào rừng kiếm củi, bỗng một ngày nọ bà bị một con
khỉ độc to lớn từ trong rừng lao tới bắt giữ, toan giở trò hãm hiếp. Cũng may
bà là người khỏe mạnh nên chống đỡ quyết liệt và đã thoát ra được, chạy thẳng về
nhà trong tình trạng áo quần tả tơi.
Về đến nhà, bà kể lại sự việc vừa xảy ra với
chồng, người chồng tất nhiên nộ khí xung thiên, quyết tâm diệt trừ khỉ độc để
báo thù. Sau một đêm suy tính phương sách, ông đã vạch ra được một kế hiểm, quyết
theo kế đó mà thực thi.
Sáng hôm sau ông
lấy quần áo của vợ, nai nịt gọn gàng, độn ngực chít khăn, quang gánh vác trên
vai, nhai trầu cho môi đỏ, giả làm phụ nữ vào rừng kiếm củi. Lúc khởi hành
không quên giắt theo con dao nhọn bên hông. Đi đến bìa rừng liền giả vờ hái củi,
tay vẫn bẻ cành mà mắt dõi xung quanh. Được một lúc thì khỉ độc nhào ra, vật
ngã ông xuống đất toan hãm hiếp. Người chồng nhanh tay rút dao đâm hai nhát vào
sườn và ngực khỉ. Bị đâm hai nhát dao chí mạng, con khỉ độc rú lên một tiếng rồi
ngã vật xuống đất, chết tại chỗ.
Sau khi giết được
khỉ ác, ông đứng dậy điều chỉnh lại y phục, lau sạch vết máu trên người rồi quẩy
gánh củi ra về. Hôm sau hai vợ chồng cùng vào rừng, đi ngang qua chỗ khỉ chết
thì không thấy xác đâu nữa mà chỉ thấy một đống mối đùn rất to. Là người có học,
lại biết chút ít về thuật Địa lý nên người chồng để mắt dõi khắp bốn phương, lấy
đống mối làm tâm thì thấy nơi này là gò đất thấp, bên tả có dòng nước uốn lượn
chảy đi, trước mặt là minh đường rộng rãi, xung quanh có các gò đất châu tuần về,
khí thế rất vượng, xác khỉ đã được thiên táng vào nơi như thế. Quan sát hồi lâu
xong ông mới nói với vợ: “xác khỉ đã bị mối đùn kín rồi.” Hai vợ chồng ông ở lại
kiếm củi đến trưa thì về. Từ đó trở đi, ông giữ kín câu chuyện trên, không hé lộ
với ai vậy.
Thời gian sau
thì bà vợ có thai, sinh ra được một người con trai, đặt tên là Mạc Đĩnh Chi. Điểm
kỳ lạ ở chỗ, cậu bé này mặt mũi hao hao giống khỉ, miệng rộng, trán dô, tai vểnh,
mũi hếch, dáng người nhỏ bé, tứ chi ngắn ngủi, da đen như bồ hóng, mặt nhọ tựa
que than, tuy nhiên đôi mắt lại đặc biệt tinh anh, sáng trong như ngọc vậy.
Dáng dấp của Đĩnh Chi khi đó được các thầy Tướng liệt vào hàng “cổ tướng”, là
những dạng người có hình thù kì quái, ngũ đoản nhưng thần thái tinh anh, khí chất
phi phàm vậy.
Sau này, bố của
Đĩnh Chi chuẩn bị lâm chung đã dặn lại vợ con đem táng mình vào đống mối đùn
khi xưa, bên trên xác khỉ nằm. Kể từ đó ngôi mộ được mối đùn to thêm ra, phù hộ
cho con cháu được vinh thăng quý hiển.
Nay cứ xét theo
giai thoại trên thì thấy hai ý rằng, hình tướng hao hao giống khỉ của ông Mạc
Đĩnh Chi là do bà mẹ bị chấn động tâm can trước khi có mang mà hình thành nên cốt
cách người con, ý thứ hai là do mộ của cha được táng vào thế đất vượng, lại có
xác khỉ nằm trước đó nên đã phù hộ cho người con, đồng thời càng ngày càng hun
đúc nên hình tướng cổ quái đó. Dù ý kiến ra sao mặc lòng, sự thành công của ông
Đĩnh Chi xét ở góc độ Phong thủy âm trạch đúng là có nguyên cớ vậy.
Lại xét thêm, Tổ
tiên bốn đời của ông Mạc Đĩnh Chi là ông Mạc Hiển Tích, đỗ khoa Thái học sinh
dưới triều vua Lý Nhân Tông. Gốc gác dòng dõi đã có sẵn mà di truyền cho con
cháu, thế chẳng phải là phúc ấm tổ tiên cũng là cái quyết định đến sự thành
công của ông ấy hay sao.
Truyện trên là
nói về cái khởi nguồn phát tích lên ông Đĩnh Chi, từ khi ông ấy còn chưa ra đời.
Sau này nhập triều làm quan còn có nhiều giai thoại nổi tiếng hơn nữa, đơn cử
như tích truyện Mạc Đĩnh Chi đi sứ nhà Nguyên. Truyện kể rằng.
Năm Mậu thân
1308 thời vua Trần Anh Tông, ông Mạc Đĩnh Chi được triều đình cử đi sứ nhà
Nguyên, mừng ông Nguyên Vũ Tông mới lên ngôi. Khi đó đoàn sứ bộ nước ta đi đến
biên giới hai nước, ở khu vực thành Pha Lũy, tức là cửa khẩu Hữu Nghị Quan bây
giờ vậy. Bởi vì thời tiết gió mưa nên đoàn sứ nước ta tới muộn, cửa thành đã
đóng từ lâu. Viên quan thủ thành phía Trung Quốc không chịu mở cửa cho thông
quan. Tuy nhiên cũng nghe tiếng ông Đĩnh Chi văn tài thao lược nên muốn thử tài
bằng câu đối:
“Quá quan trì, quan quan bế, nguyện quá khách quá quan.”
Nghĩa là: Qua cửa quan trễ, cửa quan đóng, mời khách qua đường
qua cửa quan.
Ông Đĩnh Chi đã đối lại như sau:
“Xuất đối dị, đối đối nan, thỉnh tiên sinh tiên đối.”
Nghĩa là: Ra câu đối dễ, đối câu đối khó, mời tiên sinh đối
trước.
Quan thủ thành phục tài liền ra lệnh mở cổng thành nghênh
đón.
Khi đoàn sứ thần
đến Đại Đô (nay là thủ đô Bắc Kinh) và nhập triều bái kiến Hoàng đế nhà Nguyên,
thấy Mạc Đĩnh Chi là người thấp bé, lại có dung mạo xấu xí nên Nguyên triều có
ý coi thường. Trong buổi tiếp đầu tiên, vua Nguyên Vũ Tông đã ra câu đối:
“Nhật hỏa vân yên, bạch đán thiêu tàn ngọc thố”
Nghĩa là: Mặt trời là lửa mây là khói, ban ngày thiêu cháy
vừng trăng.
Câu đối này của vua Nguyên mang hàm ý của bậc kẻ cả, cậy
mình là nước lớn nên có thể vùi dập nước Nam bé nhỏ vậy.
Ông Mạc Đĩnh Chi đã không ngần ngại mà đối lại rằng:
“Nguyệt cung tinh đạn, hoàng hôn xạ lạc kim ô”
Nghĩa là: Mặt trăng là cung Sao là đạn, buổi hoàng hôn bắn
rụng mặt trời.
Câu đối thật là
hoàn chỉnh, lại mang hàm ý kiên cường. Dù là nước nhỏ nhưng cũng có thể địch lại
cường quốc khi được thời cơ vậy.
Trong hai câu đối
trên đều dùng đến hình tượng ngọc thố làm đại biểu cho mặt trăng, dùng kim ô
làm đại biểu cho mặt trời. Vậy cớ làm sao mà lại lấy đó làm ý tứ?
Thỏ ngọc và Tôn Ngộ Không. |
Nói về ngọc thố chắc hẳn nhiều người hiểu ngay ra là thỏ ngọc
trên cung trăng, và quả thực ý tứ đúng là như vậy. Truyền thuyết Trung Hoa kể rằng,
thỏ ngọc sống tại cung trăng cùng nàng Hằng Nga, hàng ngày trông giữ cung trăng
và dùng chày giã thuốc trường sinh. Hình dáng thỏ ngọc hiện ra rõ nét nhất
chính là vào buổi trăng tròn, đặc biệt trăng rằm tháng tám là rõ nét nhất. Bởi
vậy dân gian mới lấy hình tượng thỏ ngọc để nói về mặt trăng. Hình tượng trên
có thể thấy được khắc họa rõ nét trong tác phẩm Tây du ký của ông Ngô Thừa Ân
mà độc giả có thể tham cứu thêm vậy.
Còn về kim ô, tức
là con quạ vàng. Cũng theo truyền thuyết Trung Hoa thì đây là con quạ có ba
chân, toàn thân phát hỏa, ánh vàng rực rỡ chiếu sáng muôn nơi, bởi vậy nó còn
được gọi là “dương ô”, tức là quạ mặt trời. Truyền thuyết kể rằng, xưa kia có một
đàn dương ô mười con, thường đậu trên cây dâu tằm đỏ (phù tang) ở dưới chân
thung lũng mặt trời. Cây dâu tằm này có nhiều nhánh, mỗi nhánh lại mở ra một
cái hốc lớn. Mười con dương ô, mỗi con trú ngụ tại mười hốc dâu như vậy. Mỗi
ngày, một con dương ô sẽ bay khắp cõi trời cùng với bà Hi Hòa, là mẹ của chúng
vậy. Chúng bay lần lượt từng ngày như vậy, tuần tự không ngừng. Hết vòng thì bằng
một tuần.
Cũng cần lưu ý thêm là thời xưa quy ước một tuần có mười
ngày, gồm thượng tuần, trung tuần và hạ tuần. Gộp lại mà thành một tháng có ba
mươi ngày. Giờ đây ta theo Tây hóa nên quy ước một tuần có bảy ngày mà thôi.
Lại nói thêm, có
lần cả mười con dương ô cùng nhau bay rợp trời, khí nóng tỏa muôn phương, mặt đất
vì thế mà trở nên khô cằn, muôn vật sắp đi vào diệt họa. Lúc đó may có chàng Hậu
Nghệ nhờ tài bắn cung nên đã giương cung bắn rụng chín mặt trời, chỉ để lại một
mặt trời đến ngày nay vậy. Dân gian gọi tích đó là “Hậu Nghệ xạ nhật”.
- Hà cớ gì mà ông lại xé đi như vậy?
Mạc Đĩnh Chi bình thản mà thưa lại:
- Cổ nhân xưa nay chỉ vẽ mai với tước (tức chim sẻ), chứ
không vẽ trúc với tước bao giờ. Bởi lẽ trúc là tượng của bậc quân tử, tước là
tượng của kẻ tiểu nhân. Nay bức trướng này thêu tước đậu trên canh trúc, tức là
hàm cái ý thế của bọn tiểu nhân ở trên mà đức của người quân tử bị nép phục.
Nay tôi vì thánh triều mà trừ đi mối tệ đấy.
Ai nấy đều cho thế là phải, lại càng phục tài ứng biến của
sứ thần nước Nam ta.
Trong thời gian
lưu lại ở Đại Đô, nhà Nguyên chẳng may có một vị công chúa qua đời. Sứ thần Mạc
Đĩnh Chi theo phép ngoại giao cũng phải tới viếng đám tang. Khi đọc văn tế, triều
đình nhà Nguyên chỉ đưa cho ông Đĩnh Chi một tờ giấy, bên trong viết chữ “nhất”,
ý là thử tài văn chương của ông. Không ngần ngại, ông Đĩnh Chi ứng khẩu đọc
luôn:
Thanh thiên nhất đóa vân
Hồng lô nhất điểm tuyết
Thượng uyển nhất chi hoa
Dao trì nhất phiến nguyệt
Y! Vân tán, tuyết tiêu, hoa tàn, nguyệt khuyết!
Dựa trên ý tứ
bài văn tế trên, Lượng Thiên Xích phiên thành hai thể thơ, một thể sát với
nghĩa gốc và một thể lục bát truyền thống Việt Nam. Thể thứ nhất như sau:
Trời xanh một đám mây
Lò hồng một bông tuyết
Vườn triều một nhành hoa
Ao ngọc một trăng sáng
Than ôi! Mây tán, tuyết tan, hoa tàn, trăng khuyết!
Thể thơ lục bát như sau:
Trời xanh một đám mây vàng
Lửa lò kia điểm một nàng tuyết sa
Vườn triều thắm một đóa hoa
Ao thu chiếu phản một tòa trăng thanh
Than ôi! Mây tán, tuyết tan, hoa tàn, trăng khuyết!
Chỉ với một chữ
“nhất” thôi mà ông Đĩnh Chi vừa miêu tả và khen ngợi vẻ đẹp của công chúa, cũng
vừa cảm thán, xót thương cho người yểu mệnh, lại vừa hợp với tiêu chí đề ra.
Người đương thời khó mà theo kịp cái tài văn chương này vậy.
Theo sử ghi lại
thì mặc dù ông Mạc Đĩnh Chi là quan cao của ba triều vua nhà Trần, nhưng sống
thanh liêm, đạm bạc, các con cháu sau này cũng noi cái gương đó mà chẳng màng đến
phú quý ở đời, chỉ cầu giữ lấy cái danh cho sạch. Xét ra chỉ phát cái quý hiển
chứ không phát phú. Điều này được các nhà Phong thủy xưa kia chỉ ra rằng, đó là
thế đất chôn cất cha của ông, gò đống châu tuần về nhưng dòng nước lại chảy
đi, có tán mà không có tụ vậy.
Trên đây là một
vài giai thoại, phác thảo nên một danh nhân nước Việt. Truyện kể ở đây, dù chẳng
phải sử liệu hoàn toàn, nhưng điển tích tồn tại trong dân gian thì vẫn có nét
dung dị và chân thật, hòng giới thiệu với độc giả vậy.
LƯỢNG THIÊN XÍCH