LUẬN VỀ HAI CHỮ PHÚC ĐỨC


     Từ cổ chí kim, trong khắp cõi Á Đông ta đều cho rằng hai chữ “Phúc đức” này là tốt đẹp và thường mang ra để mà chúc tụng nhau. Người ta cũng áp dụng hai chữ này vào rất nhiều lĩnh vực phục vụ dân sinh thường nhật. Khi xưa nước ta theo nghiệp Nho học nên cơ hồ nhiều người còn hiểu được tường tận nghĩa lý của Phúc với Đức, còn giờ đây nước ta đổi sang nền Tây học, dùng hệ chữ Latin làm Quốc ngữ nên thành ra nhiều người chỉ biết dùng câu chữ xưa mà không hiểu rõ nghĩa lý ẩn tàng bên trong từng con chữ ấy. Xét ra thì cũng là cái thiếu xót của nền tân học vậy.

Nhấn vào hình để xem rõ hơn


     Trước tiên hãy cứ nói về chữ “Đức”. Người ta vẫn thường nói: “có Đức mặc sức mà ăn”, “Đức năng thắng số”, “Đức cao vọng trọng”… Vậy “Đức” ở đây là như thế nào? Có thắng được số mệnh hay không? Có làm cho người ta no ấm hay không? Hay chỉ là những câu an ủi, chúc tụng nhau mà thôi?


Nhấn vào hình để xem rõ hơn


     Thực chất Đức  là từ Hán Việt, có nghĩa là khuôn phép của sự tốt đẹp vậy. Con người ta muốn lập được thân, muốn được văn minh thì trước tiên phải giữ ngũ đức, gồm đức Nhân, đức Lễ, đức Nghĩa, đức Trí và đức Tín. Cho nên người có đức Nhân là người có lòng thương người mến vật. Có đức Lễ là biết tôn kính bề trên, tôn trọng kẻ dưới. Có đức Nghĩa là biết làm vì người khác, làm vì lợi ích chung. Có đức Trí là khôn ngoan, thông hiểu sự lý và kiến thức ở đời. Có đức Tín là biết giữ niềm tin cho mình và tạo niềm tin cho người. Bởi thế nên người nào làm càn làm bậy, bất chấp đạo lý ở đời thì bị gọi là người “thất đức”, còn người nào mà tuân thủ theo những điều ở trên thì được cho là người “có đức”. Những loại thất đức thì người trên xa lánh mà kẻ dưới cũng khinh khi, còn người có đức thì bề trên tin yêu mà kẻ dưới cũng kính trọng. Ý nghĩa của ngũ đức nôm na, đại khái cũng chỉ như thế.

     Lại ví như lúc tung hoành ngoài xã hội, ngoài giữ vững năm đức như trên, người ta còn phải thủ giữ đức luật, tức là giữ gìn và tôn trọng pháp luật hiện hành, không được vi phạm vào những điều đã được chính quyền ấn định và ban hành. Phạm vào thì tất sẽ có chế tài răn đe, làm tổn hại đến bản thân vậy.

     Cho nên giữ Đức là giữ cái tư duy và hành động tốt đẹp. Không có Thần Thánh nào có thể ban phát Đức cho người. Đức cũng không phải là vật có thể đem biếu tặng cho nhau. Người mà giữ được Đức thì tất nhiên cuộc sống có sự an lành, người thiện thường lui tới mà kẻ ác lại tránh xa, đi khắp nơi vẫn có sự tin yêu, ngồi một chỗ không ai đến hại, công việc ngày một thăng tiến, tài vật tất sẽ được nhiều lên. Như vậy chẳng phải câu “có Đức mặc sức mà ăn” hay sao? Lại giả như người nào có số mệnh tù tội thì phải biết chuyên cần thủ giữ đức Luật, quyết không làm điều mờ ám hại người hại xã hội, tuân thủ luật pháp hiện hành thì làm sao có thể vướng vòng lao lý cho được. Bước qua hạn tù tội mà vẫn an nhiên, như vậy chẳng phải là câu “Đức năng thắng số” hay sao?

     Nói về chữ Phúc  thì thấy rằng thiên hạ lại càng quý trọng chữ này hơn. Người ta vẫn thường chúc nhau “Phúc lộc song toàn”, “ngũ Phúc lâm môn”, “Phúc như Đông Hải, thọ tỷ Nam sơn”… tựu chung lại, cứ chúc nhau có Phúc là người ta sẽ hỷ hả lắm vậy. Phúc cũng là cái người ta hay đem ra để mà so sánh, nhận định về người khác, như “nhà này thật có Phúc”, “nhà kia vô Phúc mới gặp phải chuyện đấy”, “trông anh thật Phúc hậu”, v.v…

Nhấn vào hình để xem rõ hơn




     Chữ Phúc cũng là từ Hán Việt, nghĩa là may mắn, cũng được hiểu là những sự tốt đẹp vậy. Cho nên làm những việc may mắn, đem lại sự tốt đẹp thì đều được gọi là làm Phúc, cầu những điều may mắn, tốt đẹp thì cũng gọi là cầu Phúc. Xưa nay dân gian có rất nhiều những nghi lễ, phong tục tập quán liên quan đến cầu Phúc, cũng có rất nhiều những quan niệm, những việc làm liên quan đến cầu may, cầu Phúc. Liệt kê ra thì nhiều lắm, ví như hệ thống các thôn làng khắp Việt Nam ta đầu năm thường tổ chức lễ hội, phần tế lễ thì dâng hương cúng Thần Hoàng làng, mong muốn cả làng được bình an, no ấm. Như thế là tế lễ để mà cầu may, cầu Phúc. Còn như phần hội thì mỗi làng lại có tích khác nhau mà tổ chức chơi hội khác nhau. Như ở làng Vân của tỉnh Bắc Giang, ngôi làng nổi tiếng miền Bắc với nghề nấu rượu truyền thống có hội vật cầu nước để cầu may cho cả làng được một năm mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu.
Hay như ở Đọi Sơn, huyện Duy Tiên, Hà Nam lại có hội Tịch điền nhằm thể hiện lòng biết ơn với các bậc tiền nhân đã có công khai phá, mở mang ruộng đồng, đồng thời cầu mong mưa thuận gió hòa, dân làng được mùa bội thu. Những lễ hội như thế chẳng phải là để cầu may, tức là cầu Phúc hay sao?

     Lại như những dịp đầu xuân năm mới, dân ta lại có tục tìm giờ tốt và hướng tốt để xuất hành. Thường thì sẽ xuất hành về hướng Hỷ thần hoặc Tài thần của ngày đó. Cũng có thể tìm hướng Thiên lộc, Thiên mã, Quý nhân của ngày đó mà xuất hành, mong cho một năm mới may mắn, tốt đẹp. Đó cũng là một phương thức cầu may, cầu Phúc vậy. Hoặc như bọn sĩ tử, hội văn nhân cũng muốn tìm hướng Văn xương ở đâu mà tiến hành hướng mặt về đó để làm nghi thức khai bút. Đó chẳng phải là cầu may trong nghiệp văn học đó hay sao? Hay như, tìm những vật đeo bên người theo phép của Tứ trụ để giúp vận mệnh tốt hơn, bài trí nội thất theo phép của Phong thủy để giúp gia đạo an khang hơn, tất thảy cũng đều là cầu may cả. Lý lẽ tuy khác nhau nhưng mong ước có khác nhau đâu.

     Bởi vậy phàm là những việc mong cầu những điều may mắn, tốt đẹp sẽ đến với mình thì đều được gọi là cầu Phúc. Người nào đang được hưởng những điều tốt đẹp thì gọi là hưởng Phúc. Vậy Phúc có tự nhiên đến cho mà hưởng hay không? Không có chuyện đó đâu. Muốn hưởng Phúc thì trước tiên phải tích Đức. Thiện giả thiện lai, ác giả ác báo. Người làm điều thiện thì tương lai sẽ nhận được điều tốt, kẻ làm điều ác thì tương lai sẽ gặp điều dữ. Thế nên Đức là nhân còn Phúc là quả vậy, đó là nguyên lý vĩnh hằng của vũ trụ rồi, chẳng thể sai lệch được.




LƯỢNG THIÊN XÍCH

Bài đăng phổ biến