BÁ HẠ CỬ TAM SƠN

     Bá Hạ hay còn được gọi là Bí Hí, Long Quy. Dân gian vẫn thường gọi bằng cái tên dân dã là rùa đầu rồng. Là con trưởng của rồng trong truyền thuyết "Long sinh cửu phẩm".





     Cứ như thuyết này đề cập thì Bá Hạ có hình tướng thân rùa đầu rồng, khỏe mạnh vô song, trời sinh thần lực, bởi thế mà có thể dễ dàng cõng được Tam sơn Ngũ nhạc trên lưng, ra oai sóng gió. Để cho dễ hình dung thì phải nói Tam sơn Ngũ nhạc như thế nào trước đã.

     Tam sơn là ba ngọn núi mà Thần tiên ở. Gồm có:


     - Bồng Lai sơn

     - Phương Trượng sơn

     - Doanh Châu sơn


     Ba núi trên còn được gọi là Bồng Lai Tam Đảo. Là cõi giới của Thần tiên. Trong đó dễ dàng nhận ra núi Bồng Lai nổi tiếng và là chủ thể chính. Sau này người đời nói câu Bồng Lai Tiên Cảnh chính là phát xuất từ đây mà ra.


     Còn như Ngũ nhạc thì ngoài ba ngọn núi trên, cảnh giới Thần tiên vẫn còn 2 ngọn núi nữa là Viên Kiều sơn và Đại Dư sơn.


     Trong cuốn Liệt Tử Xung Hư Chân Kinh có nói:


     "Phía đông của Bột Hải, không rõ là xa bao nhiêu dặm, có một vùng nước lớn. Thực tế ở đó là một thung lũng không có đáy. Bởi phía dưới của thung lũng không có đáy nên thung lũng được gọi là Quy Khư. Nước từ tám phương trời và chín vùng đất, và nước sông Ngân Hà đều chảy đổ vào nơi này, thế mà nước ở đấy chẳng tăng chẳng giảm. Ở nơi này có năm ngọn núi. Ngọn thứ nhất tên là Đại Dư, ngọn thứ hai là Viên Kiều, ngọn thứ ba là Phương Hồ, ngọn thứ tư là Doanh Châu, và ngọn thứ năm là Bồng Lai. Các núi này cao 30.000 dặm, và chu vi 30.000 dặm. Đỉnh núi là vùng bằng phẳng, có đường kính 9.000 dặm. Các núi cách nhau 70.000 dặm, là nơi dân cư ở. Những đền đài và đạo quán trên đỉnh núi thì bằng vàng và ngọc. Cầm thú ở đó có màu trắng tinh khiết. Cây cối bằng ngọc trai và san hô. Hoa trái có vị thơm ngon dễ chịu. Ai mà ăn được hoa quả ấy sẽ không già và không chết."


     Cái tên Ngũ nhạc có lẽ cũng là phát xuất từ đấy.


     Còn về thực thể hiện hữu thì Ngũ nhạc là tên gọi cho năm ngọn núi nổi tiếng Trung Quốc là :

     - Đông nhạc Thái Sơn

     - Tây nhạc Hoa sơn

     - Nam nhạc Hành sơn

     - Bắc nhạc Hằng sơn

     - Trung nhạc Tung sơn


     Chỉ xét về Tam sơn Ngũ nhạc không thôi đã có thể hình dung ra sức mạnh vô song khi mà Bá Hạ có thể cõng được những ngọn núi đó trên lưng.


     Thủa xưa, khi vua Hạ Vũ trị thủy, ông đã hàng phục được Bá Hạ, nhờ nó giúp sức nên việc trị thủy trở nên thuận lợi hơn rất nhiều. Đến khi đại công cáo thành, vì sợ Bá Hạ đi lại tung hoành, gây hại nhân gian, vua Hạ Vũ đã cho làm một chiếc bia đá khổng lồ để khắc ghi công trạng của Bá Hạ rồi bắt nó cõng trên lưng. Dưới sức nặng của bia đá nên Bá Hạ không thể đi lại tự do được nữa.


     Đọc đến đây có lẽ nhiều người sẽ cho rằng Bá Hạ cõng được Tam sơn Ngũ nhạc dễ dàng thì cái bia đá kia nào thấm vào đâu mà có thể gây khó dễ cho Bá Hạ được. Kỳ thực người xưa đã rất thâm thúy. Bá Hạ cõng bia đá khắc ghi công danh trên lưng với ngụ ý công danh còn nặng hơn cả Tam sơn Ngũ nhạc.


     Đời sau bắt chước theo tích đó mà tạc tượng Bá Hạ cõng bia đá với mong muốn công danh được lưu truyền đến muôn năm sau vậy.


     Người thời nay cứ cho rằng những tấm bia tiến sĩ trong Văn Miếu Quốc Tử Giám được cõng bởi những con rùa. Điều này quả thực là chẳng hiểu được ý tứ của tiền nhân di ngôn lại cho con cháu nên mới nói xằng như vậy.



     Còn như lão Xích vẽ tranh Bá Hạ Cử Tam Sơn này và dùng tranh này bài trí Phong thủy ra sao. Điều này thiết tưởng chẳng muốn nói luôn ra đây làm gì cho thiên hạ sinh nghi.



LƯỢNG THIÊN XÍCH

Bài đăng phổ biến