NGUYÊN LÝ KHỞI LỆ CỦA PHI THIÊN MÃ


Phi thiên Lộc - Mã - Thiên ất quý nhân có sự giống nhau ở chỗ, cả ba đều là Cát thần niên phương, sử dụng đến Thiên can và địa chi của năm, của ngày để tính toán. Giả như vòng tính của năm thì ứng vào tháng, vòng tính của ngày thì ứng vào giờ vậy. Tuyệt không có nguyên lý tính Lộc - Mã - Thiên ất quý nhân dựa trên Thiên can, địa chi của tháng. Vậy không có nghĩa là hàng tháng không có Lộc - Mã - Quý nhân, mà do hàng Can chi của tháng thì dùng đến phép Phi thiên vậy.

Phương pháp tính toán Phi thiên mã kỳ thực cũng giống như pháp tính của Phi thiên lộc, tuy nhiên Lộc thì lấy Thiên can để tính toán, còn Mã thì lấy Tam hợp địa chi để tính toán, còn nguyên lý khởi lệ vòng phi thì không sai khác. Dùng Chân mã của Thái tuế, theo Nguyệt kiến mà nhập vào trung cung, dùng bộ vị Lượng thiên xích mà khởi phi. Chân mã đến cung nào thì cung đó là Phi thiên mã của tháng đó vậy.

Có câu: “Lộc, mã, quý nhân - Sơn phương phùng cát”. Thông thư cũng nói rằng: “Mã đáo đầu non người phú quý - Lộc đáo đầu non vượng tử tôn”, bởi vậy việc khai sơn lập hướng cho âm dương nhị trạch rất chú trọng đến Phi thiên mã, là một trong các yếu tố tuyển trạch cát thời. Phương pháp xác định là, đầu tiên tìm Can chi Tuế mã của năm, đây được gọi là Chân mã. Sau đó lấy Can chi của Nguyệt kiến nhập vào trung cung, theo Cửu cung mà phi thuận. Gặp Chân mã ở đâu thì cung đó được cho là cát.

Thân, Tý, Thìn thì Mã tại Dần
Tị, Dậu, Sửu thì Mã ở Hợi
Dần, Ngọ, Tuất thì Mã ở Thân
Hợi, Mão, Mùi thì Mã ở Tị

Đây chính là Dịch mã như đã nói ở phần trước rồi.

Như năm Giáp tý, Thiên mã tại Dần, dùng Ngũ hổ độn, độn được là Bính dần, vậy Bính dần là Chân mã của năm Giáp tý. Tháng giêng của năm Giáp tý có Nguyệt kiến là Bính dần. Lấy Bính dần nhập trung cung, cũng tức là Phi thiên mã ở trung cung vậy.
Tháng hai là Đinh mão, lấy Đinh mão nhập trung cung, phi thuận thì Bính dần tới cung Khảm, cũng tức là Phi thiên mã ở cung Khảm vậy.
Tháng ba là Mậu thìn, lấy Mậu thìn nhập trung cung, phi thuận thì Bính dần tới cung Ly, cũng tức là Phi thiên mã ở cung Ly vậy.
Những tháng khác phỏng theo như thế.

Như năm Ất sửu, Thiên mã tại Hợi, dùng Ngũ hổ độn, độn được là Đinh hợi, vậy Đinh hợi là Chân mã của năm Ất sửu.
Tháng giêng của năm Ất sửu có Nguyệt kiến là Mậu dần. Lấy Mậu dần nhập trung cung, phi thuận thì Đinh hợi nhập trung cung, cũng tức là Phi thiên mã ở trung cung vậy.
Tháng hai là Kỷ mão, lấy Kỷ mão nhập trung cung, phi thuận thì Đinh hợi tới cung Tốn, tức là Phi thiên mã ở cung Tốn vậy.
Tháng ba là Canh thìn, lấy Canh thìn nhập trung cung, phi thuận thì Đinh hợi tới cung Chấn, tức là Phi thiên mã ở cung Chấn vậy.
Các tháng khác phỏng theo như thế.

Dưới đây là đồ hình Phi thiên mã lập thành để độc giả dễ bề khảo cứu.


Trên đây là thuyết được đề cập trong “Tông kính”. Tất nhiên cũng giống như Phi thiên lộc. Phi thiên mã cũng có một bản tính toán khác dựa theo “Thông thư”, nhưng cách tính đơn giản hơn, chỉ lấy Địa chi của Mã mà không lấy Thiên can để gia thêm vào.


Như các năm Thân, Tý, Thìn thì Mã tại Dần.
Tháng giêng kiến Dần. Lấy Dần nhập trung cung, tức là Phi thiên mã của tháng giêng ở trung cung.
Tháng hai kiến Mão. Lấy Mão nhập trung cung, phi thuận thì Dần tới cung Đoài, tức là Phi thiên mã của tháng hai ở cung Đoài.
Tháng ba kiến Thìn. Lấy Thìn nhập trung cung, phi thuận thì Dần tới cung Càn, tức là Phi thiên mã của tháng ba ở cung Càn.
Các tháng khác phỏng theo như thế.

Lại lấy ví dụ những năm Tị, Dậu, Sửu thì Mã tại Hợi.
Tháng giêng kiến Dần. Lấy Dần nhập trung cung, phi thuận thì Hợi nhập trung cung, tức là Phi thiên mã của tháng giêng tại trung cung.
Tháng hai kiến Mão. Lấy Mão nhập trung cung, phi thuận thì Hợi tới cung Tốn, tức là Phi thiên mã của tháng hai ở cung Tốn.
Tháng ba kiến Thìn. Lấy Thìn nhập trung cung, phi thuận thì Hợi tới cung Chấn, tức là Phi thiên mã của tháng ba ở cung Chấn.
Ngoài ra phỏng theo thế.

Việc tồn tại cả hai bản tính toán này xét ra đều có lý do riêng cả. Tùy căn cơ, trường phái mà sử dụng.


LƯỢNG THIÊN XÍCH

Bài đăng phổ biến