NGUYÊN LÝ KHỞI LỆ CỦA TẤU THƯ

Tấu thư là một trong những Quý tinh của Thái tuế, chủ về việc ghi chép, tâu trình, dò xét, bởi vậy chỗ đất Tấu thư chiếu tới hợp cho việc khởi tạo, cúng tế, cầu phúc, xây dựng tu sửa, trang trí tường rào.

Nhà Dịch học Tào Chấn Khuê nói rằng: "Tấu thư là Thủy thần, là gián thần (Thần can gián) của Tuế quân, là thần xem xét những việc riêng tư, oan uổng, có ý giương cao đạo đức, thường đóng ở đằng sau, sát gần Tuế ở các phương góc, gọi là phụ tá nên không dám đứng ở trước Tuế quân. Sơ khởi tại Càn, thuận theo đạo trời. Chỗ phương nó quản có thể cử người hiền năng, hữu ích cho đất nước.


Xét Tấu thư là Cát thần, tượng trưng cho gián quan ở bên cạnh phía sau vua nên chủ việc đề bạt, tâu trình, có lợi cho quan vận và các việc văn chức khác, đồng thời cũng chủ việc dò xét oan uổng, đề cao đạo đức nên cũng lợi cho cả dân thường.

Cách tính như sau:

Lấy tam hội Thái tuế làm chủ.

- Các năm Hợi - Tý - Sửu thuộc tam hội Thủy cục tại bắc. Tấu thư đóng tại cung Càn.

- Các năm Dần - Mão - Thìn thuộc tam hội Mộc cục tại đông. Tấu thư đóng tại cung Cấn.

- Các năm Tị - Ngọ - Mùi thuộc tam hội Hỏa cục tại nam. Tấu thư đóng tại cung Tốn.

- Các năm Thân - Dậu - Tuất thuộc tam hội Kim cục tại tây. Tấu thư đóng tại cung Khôn.

Thuận hành như vậy miên miên bất tuyệt.

Giả như năm Mậu tuất, thuộc tam hội Kim cục, Tuế quân tại tây nên Tấu thư đóng sau Tuế quân 1 cung, tức tại phương Khôn (Tây nam).
Năm Kỷ hợi, thuộc tam hội Thủy cục, Tuế quân tại bắc nên Tấu thư đóng tại cung Càn (Tây bắc).
Các năm khác phỏng theo vậy.

Trong Phong thủy học, các học giả thường chỉ tính toán các Thần sát Thái tuế, bao gồm cả Tấu thư cho việc khởi công, động thổ, tu tạo mà quên đi những phương pháp bài trí pháp khí cầu danh dựa theo Tấu thư. Nếu như kết hợp Tấu thư với Văn tinh theo nguyên vận và lưu niên, cùng việc xác định phương vị Văn tinh theo tứ trụ, sau đó sắp đặt pháp khí cầu danh thì hiệu quả rất lớn vậy.


LƯỢNG THIÊN XÍCH

Bài đăng phổ biến